Giới công nghiệp Đức chia rẽ về chủ trương đầu tư ra nước ngoài

05:30' - 11/11/2022
BNEWS Khi Thủ tướng Olaf Scholz có chuyến công du tới Trung Quốc vào cuối tuần trước, các ngành công nghiệp Đức vẫn đang trong tình trạng chia rẽ quan điểm đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Ngày 21/2, ba ngày trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, báo Le Monde đã có cuộc gặp với Martin Brudermüller, ông chủ tập đoàn hóa chất khổng lồ Đức BASF, tại Ludwigshafen - trụ sở chính của tập đoàn ở trung tâm khu phức hợp hóa chất lớn nhất châu Âu. 

Trong cuộc phỏng vấn, chủ đề về nước Nga có được đề cập, nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, nơi BASF dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ euro vào năm 2030 để xây dựng một địa điểm sản xuất mới ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. 

Câu hỏi được đặt ra là liệu tập đoàn này có mạo hiểm không khi đầu tư một khoản tiền lớn như vậy vào Trung Quốc? Ông chủ BASF đã trả lời bằng những con số: "Vào năm 2030, Trung Quốc sẽ đại diện cho 50% thị trường hóa chất thế giới. Nếu muốn trở thành một 'gã khổng lồ' hóa chất toàn cầu, bạn không thể nói rằng một nửa thị trường không dành cho bạn". 

Sau đó 9 tháng, khi mà cuộc xung đột ở Ukraine và các mối đe dọa địa chính trị nghiêm trọng xuất hiện, một câu hỏi tương tự được đặt ra, thậm chí ở mức sâu sắc hơn, đối với toàn bộ nền kinh tế Đức. Phần nào câu trả lời đã được thấy qua chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Quốc ngày 4/11.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 6 năm qua. Năm 2021, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức sau Mỹ. Tại Đức có hơn 1 triệu việc làm phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã mở ra một kỷ nguyên mới trong chủ nghĩa tư bản Đức. 

Hai mặt trận rõ ràng đã hình thành. Một bên là các tập đoàn lớn, thường có vai trò quan trọng mang tính hệ thống đối với Đức, cho rằng một nền công nghiệp tầm cỡ thế giới không thể tách mình khỏi Trung Quốc. 

Bên còn lại là các công ty tuy không nhất thiết chối bỏ thị trường lớn nhất châu Á, nhưng đang hình thành khoảng cách do vấp phải những khó khăn ngày càng lớn hoặc bởi các nguy cơ địa chính trị và an ninh được đánh giá là quá lớn. 

Ông chủ Martin Brudermüller là người chọn nhóm đầu tiên bất chấp những ý kiến trái chiều, kể cả từ những thành viên trong Hội đồng quản trị của tập đoàn. Trong cuộc họp báo ngày 26/10, ông Brudermüller vẫn xác nhận BASF sẽ duy trì dự án đầu tư tại Quảng Đông, đồng thời thông báo cắt giảm đáng kể hoạt động sản xuất của tập đoàn ở châu Âu do diễn biến thị trường và giá năng lượng. 

Ông chủ này khẳng định "động lực tăng trưởng ở Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn". Cuối tháng Sáu, Herbert Diess, lãnh đạo cũ của Volkswagen, cũng bày tỏ quan điểm theo cách tương tự. 

Cựu lãnh đạo tập đoàn ô tô Đức khẳng định: "Thị trường Trung Quốc là không thể thiếu đối với chúng tôi với tư cách là một thị trường tăng trưởng và động cơ đổi mới". 

Siemens cũng không có ý định rời bỏ Trung Quốc. Tập đoàn này vừa công bố một dự án đầu tư tham vọng có tên "Marco Polo" với mục tiêu phát triển các giải pháp số ở Trung Quốc để tự động hóa các đơn vị sản xuất và phục vụ một thị trường được coi là đổi mới mà không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu bên ngoài. 

Theo một cuộc khảo sát trong tháng Ba của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Trung Quốc, có khoảng 10% công ty nước này muốn rút khỏi thị trường Trung Quốc, 1/3 muốn ngừng hoạt động và đầu tư mới, 1/4 đang tìm kiếm các giải pháp thay thế ở châu Á do lo ngại về rủi ro địa chính trị và các hạn chế của chính sách chống COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục