Giới trẻ và những “cạm bẫy” tài chính: Làm hoài không dư, vì đâu nên nỗi?

13:30' - 18/04/2025
BNEWS Nhiều người trẻ đang đối mặt với áp lực tài chính trong thời đại số: chi tiêu vượt kế hoạch, nợ thẻ tín dụng và làm việc không đạt hiệu quả. Quản lý tài chính cá nhân trở thành kỹ năng sống còn.

Trong thời đại số, khi mọi giao dịch chỉ cần “một chạm”, việc quản lý tài chính cá nhân không còn là chuyện riêng của ai. Người trẻ - những công dân số sành công nghệ - lại đang là đối tượng dễ bị tác động nhất bởi chính sự tiện lợi ấy. Từ thói quen chi tiêu quá tay trên các nền tảng thương mại điện tử, lệ thuộc vào thẻ tín dụng và vay tiêu dùng, cho đến cảm giác “làm mãi không dư”, tài chính trở thành một bài toán nan giải của thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Millennials (sinh năm 1981-1996). 

Mua sắm trực tuyến - cám dỗ khiến giới trẻ “thâm hụt” tài chính

Việc mua sắm trực tuyến bùng nổ trong thời đại số không chỉ mang lại sự tiện lợi, mà còn góp phần hình thành những thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát ở một bộ phận người trẻ. Thay vì mua theo nhu cầu thực tế, nhiều người dễ bị lôi cuốn bởi các chương trình khuyến mãi, thuật toán cá nhân hóa và hệ sinh thái thương mại điện tử được thiết kế tối ưu cho việc “chốt đơn” nhanh chóng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ chi tiêu vượt kế hoạch là do mua sắm đang dần trở thành một hành vi giải tỏa cảm xúc hơn là một hoạt động thiết yếu. Tâm lý "mua sắm để vui", "mua để không bị bỏ lỡ" hay "mua để giống bạn bè" xuất hiện phổ biến, đặc biệt trong các dịp "Flash sale" (sự kiện giảm giá siêu “hời”), "Ưu đãi 50%", "Mua 1 tặng 1" hay các sự kiện giảm giá lớn vào giữa tháng hoặc vào những ngày đôi như 11/11, 12/12... Các nền tảng thương mại điện tử đã tận dụng tối đa hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) để thúc đẩy tiêu dùng.

 

Không những vậy, sự gia tăng của các phương thức thanh toán tiện lợi như ví điện tử, trả góp 0%, mua trước trả sau... càng khiến người tiêu dùng trẻ dễ dàng quên đi giá trị thực của đồng tiền. Khi mọi thao tác chỉ cần vài cú nhấp chuột, việc mua sắm không còn mang cảm giác “mất tiền”, dẫn đến hậu quả là chi tiêu vượt mức mà không hề hay biết.

Minh Hằng (24 tuổi, Hà Nội) bộc bạch: “Lúc mới đi làm, mình chưa có thói quen ghi chép chi tiêu nên thường xuyên lâm vào cảnh đầu tháng tiêu như đại gia, cuối tháng ăn mì gói. Shopee, Tiki, Lazada... như cái bẫy vậy, cứ thấy giảm giá là đặt, dù nhiều món gần như không dùng tới”.

Theo khảo sát của iPrice Group, Việt Nam thuộc top 3 quốc gia Đông Nam Á có mức độ tiêu dùng online (trực tuyến) cao nhất, với hơn 60% người tiêu dùng từ 18-34 tuổi thực hiện mua sắm qua mạng ít nhất một lần mỗi tuần. Trong khi đó, báo cáo của Visa năm 2023 cho biết, có đến 40% người trẻ Việt chi tiêu vượt quá kế hoạch mỗi tháng, chủ yếu do các đợt khuyến mãi, giảm giá online.

Làm hoài vẫn không dư - vì đâu người trẻ mãi chưa đạt tự do tài chính?

Trong khi nhiều người trẻ chăm chỉ làm việc, thậm chí làm thêm nhiều công việc cùng lúc, thì tình trạng "làm hoài mà không dư", "cuối tháng nào cũng hết tiền" vẫn diễn ra phổ biến. Đây là nghịch lý tài chính đang diễn ra trong một bộ phận lớn người trẻ hiện đại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu kỹ năng quản lý tài chính cơ bản. Nhiều người trẻ không lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng, chưa xây dựng quỹ dự phòng, và đặc biệt là không có chiến lược đầu tư lâu dài. Họ dễ dàng chạy theo xu hướng đầu tư theo bạn bè, nhưng lại không trang bị kiến thức đủ vững vàng để kiểm soát rủi ro.

Huy Hoàng (27 tuổi, nhân viên marketing) chia sẻ: "Mình bắt đầu đi làm từ năm thứ ba đại học đến nay, đổi vài ba công ty, có tháng làm thêm dự án ngoài mà vẫn không để dành được đồng nào. Sau này mình mới nhận ra là mình không hề có kế hoạch tài chính cụ thể nào cả, có tiền là tiêu theo cảm xúc".

Việc không đặt ra các mục tiêu tài chính cụ thể, cùng với việc thiếu kiên nhẫn trong tích lũy và đầu tư khiến nhiều người trẻ mãi chưa thoát khỏi vòng lặp "kiếm tiền - tiêu hết - đợi lương".

Lối ra nào cho bài toán tài chính của người trẻ?

Dù đang đối mặt với nhiều áp lực tài chính trong thời đại số, giới trẻ hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát tình hình nếu thay đổi tư duy tiêu dùng và nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân.

Trước hết, việc lập ngân sách hàng tháng, theo dõi dòng tiền và cắt giảm các khoản chi không cần thiết là bước khởi đầu quan trọng. Phương pháp Kakeibo của người Nhật hay kỹ thuật “Zero-based Budgeting” là những công cụ quản lý tài chính được khuyến khích áp dụng cho người trẻ vì tính đơn giản, hiệu quả.

Ngoài ra, người trẻ cần xây dựng các quỹ dự phòng, quỹ tiết kiệm và đầu tư có kế hoạch. Việc đầu tư sớm, kể cả với số tiền nhỏ, sẽ giúp họ hình thành thói quen tích lũy và tạo nền tảng tài chính bền vững.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - chuyên gia tài chính độc lập, nhà sáng lập và điều hành CTCP FIDT chia sẻ: “Giới trẻ nên bắt đầu học về tài chính từ những điều nhỏ nhất: tiết kiệm đều đặn, hiểu bản chất nợ và biết cách phân bổ nguồn lực hiệu quả. Chỉ khi hiểu được cách tiền vận hành, họ mới không để tiền kiểm soát mình”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục