Gỡ "nút thắt" về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

11:07' - 23/04/2024
BNEWS Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, đặc biệt là gỡ "nút thắt" về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại tại thành phố Hải Phòng tiếp tục đồng hành cùng người dân, cộng đồng doanh nghiệp tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, gỡ “nút thắt” về tín dụng, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.

Gỡ "nút thắt"

Ngay từ đầu năm, để cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, thành phố Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước của thành phố; tập trung thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Cùng đó, thành phố chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành, lĩnh vực thế mạnh của thành phố như: Cảng biển; logistics (dịch vụ hậu cần); dịch vụ du lịch thương mại; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xây dựng; đẩy mạnh thu hút đầu tư...

Nhờ đó, quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng đạt 9,32% (kế hoạch giao 11,5 - 12,0%), gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung của cả nước, đứng thứ 7 cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,59% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần mức tăng bình quân cả nước.

Về chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là các giải pháp về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn với kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong việc trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện với nhiều ưu đãi để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến ngày 30/11/2023, có 25 Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.026 khách hàng với dư nợ gốc, lãi được cơ cấu là trên 4.100 tỉ đồng.

Tại Hội thảo "Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD" do Báo Lao Động và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hải Phòng mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hải Phòng chia sẻ, năm 2024 tiếp tục xác định đồng hành cùng địa phương vừa là nhiệm vụ, vừa là lợi ích của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển theo mục tiêu đã đề ra.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đây là nội dung trọng tâm, được tổ chức thực hiện xuyên suốt, quyết liệt, góp phần quan trọng trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả; quá trình này, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực hiện xử lí, giải quyết theo từng nhóm đối tượng khách hàng.

Dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tích cực triển khai Chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng đang gặp khó khăn được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới nhằm khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cũng như nhiều doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất cho rằng, để đáp ứng phù hợp nhu cầu vay vốn của từng nhóm khách hàng doanh nghiệp thì mỗi ngân hàng nhất là hội sở ngân hàng cần nghiên cứu sát với doanh nghiệp theo từng nhóm ngành hàng sản xuất kinh doanh để không bị tính không phù hợp giữa sản phẩm tín dụng và quy trình sản xuất cũng như chu kỳ dòng đời sản phẩm doanh nghiệp hoàn thiện. Từ đó tạo ra vòng quay đồng hành giữa sản phẩm tín dụng và sản phẩm của doanh nghiệp.

Thêm nữa, ngân hàng triển khai đồng bộ tiêu chí sản phẩm tín dụng xuống hệ thống chi nhánh để đảm bảo tính đồng bộ sát với thực tế kiểm soát được rủi ro và phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phạm Hồng Điệp, trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp có quy định về thời hạn cho vay, có rất nhiều ngành sản xuất từ khi vay để khi ra được sản phẩm và xuất xưởng cần thời gian dài, như thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu, thời gian ra sản phẩm mẫu, thời gian sản xuất đồng loạt, thời gian bán hàng cận chuyển hàng... Tất cả những khâu này phải được ngân hàng cùng doanh nghiệp xây dựng sản phẩm tín dụng để phù hợp, nếu sản phẩm tín dụng của ngân hàng có thời gian ngắn thì khó phù hợp với từng loại ngành nghề sản xuất dẫn đến khó trong việc vay vốn, và nếu có vay dễ bị quá hạn dẫn đến nợ xấu lại phải tái cơ cấu

"Việc tiếp cận vốn từ ngân hàng cần có mối liên hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình thiết kế sản phẩm dịch vụ tín dụng trên tinh thần hiểu biết hỗ trợ nhau thì dòng vốn sẽ chảy mạnh vào nền kinh tế có hiệu quả và an toàn.", ông Phạm Hồng Điệp nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục