Goldman Sachs tìm kiếm nguồn khách hàng mới trong thời kỳ dịch bệnh

14:35' - 21/04/2020
BNEWS Ngân hàng Goldman Sachs đang thúc đẩy quan hệ đối tác mới với các khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của đại dịch COVID-19, với hy vọng họ sẽ là những tiềm năng khi hết dịch bệnh.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đang thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới với các khách hàng có thể đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với hy vọng các khách hàng này sẽ là những người đi vay và người gửi tiền đầy tiềm năng một khi dịch bệnh đi qua.

Ngân hàng số của Goldman Sachs, được biết đến với cái tên Marcus, đã "úp mở" về các thỏa thuận với Hiệp hội những người Mỹ đã nghỉ hưu (Apeg) và hãng hàng không giá rẻ JetBlue Airways Corp.

Ông Talwar cho biết, Goldman Sachs có kế hoạch ra mắt một tài khoản kiểm tra và sản phẩm quản lý tài sản vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Ông Harit Talwar, Giám đốc điều hành Goldman Sachs phụ trách mảng ngân hàng bán lẻ, từ chối nêu tên các doanh nghiệp mà Goldman Sachs có thể hợp tác, song cho biết ngân hàng này đang nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp mà họ đã từng hợp tác để tìm những người tiêu dùng có khả năng có tín dụng vững chắc khi các doanh nghiệp trên toàn cầu hoạt động trở lại.

Ngân hàng bán lẻ của Goldman Sachs có quy mô nhỏ và chỉ hoạt động được 5 năm, do đó ngân hàng này cần tìm kiếm khách hàng để tăng tiền gửi và cho vay thông qua quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, một chiến lược mà các ngân hàng bán lẻ lớn hơn như JPMorgan Chase và Bank of America đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Mặc dù vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu của Goldman Sachs, mảng ngân hàng bán lẻ đang tăng trưởng nhanh chóng.

Lĩnh vực này đã tạo ra 864 triệu USD doanh thu cho Goldman Sachs trong năm 2019, tương đương gần 2,4% tổng doanh thu của ngân hàng này. Trong quý I/2020, doanh thu của mảng ngân hàng bán lẻ đạt 282 triệu, tương đương 3,2% tổng doanh thu của Goldman Sachs.

Dịch COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Để ngăn chặn dịch bệnh, chính phủ nhiều nước đã ra lệnh phong tỏa nền kinh tế, khiến hàng triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, một số quốc gia đang tính tới việc mở cửa trở lại các thành phố và doanh nghiệp lớn.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với sức khỏe tài chính của người tiêu dùng, Marcus đã huy động thêm 12 tỷ USD tiền gửi trong ba tháng đầu năm nay, đạt 72 tỷ USD tới ngày ngày 31/3 và hướng tới mục tiêu quản lý 125 tỷ USD tiền gửi vào năm 2025.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, nơi Goldman Sachs tập trung phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, khoảng 22 triệu người dân nước này đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Nhận thức được sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và gián đoạn kinh doanh có thể cản trở những tham vọng của mình, Goldman Sachs cũng đang dần thắt chặt các tiêu chuẩn đối với người đi vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục