GWEC đề xuất xem xét cụ thể khó khăn với các dự án điện gió

19:23' - 01/10/2021
BNEWS Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ không áp dụng giá FIT đối với các dự án vận hành sau 31/10

 

Mới đây, tại buổi họp báo Bộ Công Thương, Bộ này cho biết sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp các dự án điện gió chậm tiến độ bởi dịch COVID-19 không kịp vận hành trước ngày 31/10. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ không áp dụng giá FIT đối với các dự án vận hành sau 31/10.

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, giá FIT ưu đãi (chưa gồm thuế VAT) cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh, tương đương 2.223 đồng và trên bờ là 8,5 cent/kWh, tương đương 1.927 đồng. Việc này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Trước thông tin này, ngày 1/10, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đề xuất, nên chăng Bộ Công Thương cần xem xét cụ thể những khó khăn thực sự của các dự án không kịp tiến độ vận hành thương mại một phần hoặc toàn bộ nhà máy trước ngày 1/11/2021 rồi mới quyết định giải pháp cụ thể.

GWEC cho biết, nhiều nhà đầu tư đã rất nỗ lực vượt khó, nhưng trong 2 tháng trở lại đây, họ gần như không thể triển khai được dự án do các quy định giãn cách tại địa phương. “Với những nhà đầu tư tại các địa phương này, việc không xem xét đến khó khăn cụ thể tại địa bàn của họ liệu có thiếu công bằng”, GWEC băn khoăn.

GWEC cũng cho rằng, Điều 3, Phần 1 trong Nghị quyết Số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 có yêu cầu: “Tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm ‘sớm nhất – hiệu quả nhất’ nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp”. Hơn nữa, các ngành khác đã có các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: ngành du lịch, hàng không, vận tải…

Theo tính toán của GWEC, đến hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000 MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức do dịch bệnh gây ra, và có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021.

Cụ thể, hơn 70% các dự án đã gửi yêu cầu nối lưới trước ngày 3/8/2021 sẽ không thể kịp hạn chót công nhận vận hành thương mại (COD).

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000 MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư. Bao gồm: 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC nhận định: Đây không phải vấn đề nhỏ, vì nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này cũng đồng nghĩa với việc mất cơ hội về môi trường đầu tư năng lượng tái tạo.

GWEC cũng cho rằng, quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án.

Trong khi hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của COVID-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000 MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục