Hà Nội liên tiếp xử lý những trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

07:32' - 14/11/2020
BNEWS Cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua kiểm tra kho sách tại địa chỉ số 10 ngõ 1150 đường Láng (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp Đội An ninh kinh tế (Công an quận Đống Đa) phát hiện và tạm giữ gần 7.000 cuốn sách các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ một loại hóa đơn chứng từ nào liên quan đến số sách nêu trên.

Thực tế ghi nhận cho thấy, cơ sở này nằm sâu trong khu dân cư, thường xuyên đóng cửa, chủ yếu hoạt động trên các trang mạng (facebook: "sachhayonline.com; khosachvn.com; những quyển sách hay nhất và bán chạy nhất"....) để giao dịch tiêu thụ hàng hóa.

Qua đấu tranh khai thác bước đầu, chủ cơ sở cho biết, toàn bộ gần 7.000 cuốn sách nêu trên được mua thu gom trên thị trường về bán thêm kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số sách trên để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Cũng trên địa bàn quận Đống Đa, qua kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại số nhà 120, ngõ 97 Thái Thịnh (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), Đoàn kiểm tra gồm: Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 4 và thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường) vừa phát hiện và tạm giữ hơn 1.500 máy hút thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 3/11, qua kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang, Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường) phát hiện cơ sở này đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để may quần áo có gắn các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci…(thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại châu Âu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).

Qua đấu tranh khai thác bước đầu, chủ cơ sở thừa nhận việc may quần áo có dấu hiệu giả mạo trên không được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 124.101 chiếc quần áo thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci…; 35 kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục