Hà Nội tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm mùa

18:44' - 13/02/2018
BNEWS Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cúm cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ thú y tiêm phòng cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình dịch cúm đang gia tăng và có diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cúm cho người dân trên địa bàn. 

Theo thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm 2018 đến nay, dịch bệnh cúm tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, bùng phát cúm mùa tại Mỹ và cúm A/H1N1 tại Triều Tiên. Trong nước, dịch cúm cũng có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành cùng với thời tiết mùa đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh cúm lây lan và bùng phát. 

Để chủ động phòng chống dịch cúm trên địa bàn thành phố, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh. Riêng Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua Sân bay Quốc tế Nội Bài bằng máy đo thân nhiệt, nhất là hành khách đến từ vùng đang có các chủng cúm nguy hiểm lưu hành. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt tình hình dịch cúm trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại chủng cúm nguy hiểm như A/H5N6, A/H5N1, A/H7N9… để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm trên người. Tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống dịch, nhất là giữ ấm cơ thể, tăng cường chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, đồng thời đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cúm tại các cơ sở tiêm chủng để chủ động phòng bệnh. Đảm bảo đủ hóa chất, trang thiết bị cho công tác điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định. 

Với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy trình tiếp nhận, phân luồng khám bệnh, cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng điều trị bệnh nhân cúm. Tích cực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp bệnh nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao. Đặc biệt lưu ý kiểm soát việc chỉ định dùng thuốc kháng vi rút, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc. 

Thời điểm mùa đông - xuân rất thuận lợi cho vi-rút phát triển, đặc biệt là vi-rút cúm. Tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân cúm đến khám và nhập viện... Nhiều người vì lo lắng đã tự ý mua thuốc đặc trị kháng vi-rút, kháng sinh để sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc tự ý dùng thuốc sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe... 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. 

Bệnh nhân là người lớn thì có thể hồi phục trong vòng từ 2 - 7 ngày nhưng với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, sẽ diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục