Hạ viện Mỹ thông qua gói sáu dự luật chi tiêu để tránh đóng cửa chính phủ

10:51' - 07/03/2024
BNEWS Hạ viện Mỹ ngày 6/3 đã thông qua sáu dự luật cấp kinh phí hoạt động cho nhiều cơ quan chính phủ đến hết năm tài chính bắt đầu vào tháng 10/2023, trong bối cảnh nguy cơ đóng cửa chính phủ đang đến gần.

Được thông qua tại Hạ viện với 339 phiếu thuận và 85 phiếu chống, sáu dự luật nói trên giờ đây sẽ được chuyển sang Thượng viện để bỏ phiếu thông qua vào ngày 8/3, ngay trước thời hạn mà các khoản kinh phí hiện tại cho nhiều cơ quan chính phủ sẽ hết hạn.

 

Bộ dự luật dài 1.050 trang này sẽ duy trì tài trợ cho các cơ quan lớn, trong đó có các phòng ban của Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị. Nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự luật này còn có các dự án xây dựng tại các căn cứ quân sự và chương trình chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh.

Để bộ dự luật lớn này được thông qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, một nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa, đã phải dựa vào sự ủng hộ của các nghị sỹ Dân chủ đối lập, vì số ghế của hai đảng tại Hạ viện chênh nhau không nhiều, với 219 ghế của đảng Cộng hòa và 213 ghế của đảng Dân chủ.

Các thành viên thuộc nhóm Hardline House Freedom Caucus đã hối thúc các nghị sỹ Cộng hòa phản đối bộ dự luật nói trên, vì muốn có các mức cắt giảm chi tiêu sâu hơn nữa, trong bối cảnh nợ công của Mỹ đã lên đến gần 34.500 tỷ USD.

Bà Rosa DeLauro, nghị sỹ Dân chỉ cấp cao trong Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Hạ viện Mỹ, nói với báo giới rằng đảng Dân chủ đã phải nhượng bộ trong một số mục chi tiêu. Nhưng bà cũng hoan nghênh bộ dự luật này vì nó bảo vệ khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và đảm bảo đủ kinh phí cho các chương trình thực phẩm và dinh dưỡng “để không một gia đình nào cần đến chúng phải nằm trong danh sách chờ”.

Quốc hội Mỹ đã muộn hơn 5 tháng trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ bản nhất của mình là thông qua kế hoạch chi tiêu chính phủ cho cả năm. Việc thông qua sáu dự luật nói trên sẽ mở đường để các nghị sỹ tiếp tục với sáu dự luật còn lại trước thời hạn 22/3. Nằm trong gói dự luật thứ hai này là kinh phí cho các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Tổng cộng, hai gói dự luật này sẽ chi tiêu 1.660 tỷ USD trong năm tài chính 2024, thấp hơn mức 1.700 tỷ USD của năm trước. Nằm trong các cơ quan bị cắt giảm chi tiêu là Cục Điều tra Liên bang, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ.

Trong khi đó, khối nợ của Mỹ đang tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây, khi trung bình cứ 100 ngày, nợ của Mỹ lại tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của nước này đã vượt ngưỡng 34.000 tỷ USD vào ngày 4/1. Trước đó, nợ công của Mỹ đã chạm mức 33.000 tỷ USD vào ngày 15/9/2023, sau khi tăng vượt 32.000 tỷ USD vào ngày 15/6/2023. Còn trước đó nữa, phải mất khoảng tám tháng nợ công của Mỹ mới tăng thêm 1.000 tỷ USD từ mức 31.000 tỷ USD.

Tính đến ngày 28/2, số nợ mà Chính phủ Mỹ vay để trang trải các chi phí vận hành ở mức 34.400 tỷ USD. Chiến lược gia đầu tư Michael Hartnett của ngân hàng Bank of America tin rằng tốc độ tăng 1.000 tỷ USD trong 100 ngày như trên sẽ tiếp tục được duy trì trong khoảng nợ từ 34.000 tỷ USD đến 35.000 tỷ USD.

Tháng 11 năm ngoái, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Chính phủ Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, do những nguy cơ ngày càng gia tăng trong thể trạng tài chính của nước này.

Moody’s Investors Service cho biết trong bối cảnh lãi suất tăng mà Mỹ lại không có các biện pháp tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu chính phủ hay gia tăng doanh thu, cơ quan này dự đoán thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ vẫn ở mức rất lớn, từ đó làm giảm đáng kể khả năng “gánh” nợ của nước này.

Còn Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng hơn 60% trong 10 năm tới, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi tiêu chăm sóc sức khoẻ tăng.

Giám đốc CBO Phillip Swagel nhận định thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 1.600 tỷ USD vào năm 2024 lên 2.600 tỷ USD vào năm 2034. Nếu so sánh với sản lượng kinh tế, mức thâm hụt dự kiến sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình được ghi nhận trong những thập kỷ gần đây. Tương tự, nợ công của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 99% lên mức cao kỷ lục 116% GDP. Theo ông Swagel, chi phí lãi vay được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% mức thâm hụt gia tăng trong giai đoạn 2024-2034. Ngoài ra, dân số già đi và chi phí chăm sóc sức khỏe liên bang tăng lên cũng sẽ làm tăng thêm thâm hụt, do những xu hướng này thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.

Trước đó, báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng Một cho thấy thâm hụt ngân sách trong quý I tài khóa 2024 (từ tháng 10 đến tháng 12/2023) tăng 21% so với cùng kỳ tài khóa trước, lên mức 510 tỷ USD. Nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công. Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt mức 34.000 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách tăng và nợ công khổng lồ là những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.

Ông Mark Zandim, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, mới đây dự đoán đến cuối năm 2024, lạm phát ở Mỹ sẽ quay trở lại mục tiêu do Cục Dự trữ liên bang (Fed) đặt ra.

Theo ông Mark Zandi, lạm phát của Mỹ đang ở mức “hợp lý và nhẹ nhàng” khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na) đã rõ ràng. Chuyên gia kinh tế này cho rằng tuy vẫn còn một số tác động dư âm nhưng phần lớn tác động của những cú sốc này đã giảm bớt, lạm phát ổn định dần và nền kinh tế không suy yếu nhiều.

Chuyên gia Zandi nhận xét sự khác biệt đáng kể duy nhất giữa lạm phát thực tế hiện tại và mục tiêu của Fed đó là mức tăng chi phí nhà ở. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào tăng giá trên thị trường cho thuê vốn rất mềm trong năm 2023 và sẽ tiếp tục trong năm 2024 nhờ nguồn cung nhà ở dồi dào hơn.

Ông Mark Zandi nhận định việc hoàn thiện thêm các căn hộ giúp số lượng nhà có sẵn tăng lên, từ đó giảm giá thuê trên thị trường và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm tới.

Bên cạnh đó, ông Zandi cho rằng tình trạng giảm phát ở Trung Quốc đang giúp giá nhập khẩu ở Mỹ và trên toàn cầu thấp hơn, giúp giảm lạm phát. Chuyên gia Zandi nhận định rằng nếu quan sát tình hình lạm phát trong vài năm qua sẽ thấy diễn biến khá lạc quan.

Lạm phát đã thay đổi cách thức mua sắm của nhiều người dân Mỹ. Giờ đây, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng đó đang giúp kiềm chế lạm phát. Tại các cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng Mỹ đã chuyển sang lựa chọn các sản phẩm nhãn hiệu có giá thành rẻ hơn, tìm đến các cửa hàng giảm giá hoặc đơn giản là mua ít hơn đồ ăn vặt hoặc thực phẩm cao cấp. Ngày càng nhiều người Mỹ cũng mua xe cũ thay vì xe mới, buộc một số đại lý phải giảm giá xe mới để kích cầu.

Thực tế này đã khiến các công ty thực phẩm lớn phải đáp ứng bằng cách giảm mạnh tốc độ tăng giá so với đỉnh điểm của ba năm qua. Điều này không có nghĩa là giá thực phẩm sẽ giảm trở lại mức của vài năm trước, mặc dù với một số mặt hàng như trứng, táo và sữa, giá đã thấp hơn mức đỉnh. Nhưng mức tăng nhẹ hơn về giá thực phẩm sẽ giúp hạ nhiệt hơn nữa lạm phát nói chung, hiện đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9,1% năm 2022 xuống còn 3,1%.

Phản ứng mạnh của người tiêu dùng trước giá hàng hóa cao khiến nhiều nhà kinh tế học cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Điều đó sẽ khiến đợt lạm phát này khác biệt đáng kể so với những đợt tăng giá phi mã của thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, vốn mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát. Khi lạm phát cao kéo dài, người tiêu dùng thường phát triển tâm lý lạm phát: giá cả liên tục tăng khiến họ đẩy nhanh việc mua hàng trước khi giá tăng thêm, một xu hướng có thể tự thân nó khiến lạm phát kéo dài.

Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của công ty tư vấn EY nhận định, người dân Mỹ đang chi tiêu thận trọng hơn, nhất là người tiêu dùng thu nhập thấp đang phải gánh thêm nợ thẻ tín dụng và chậm thanh toán. Ông lưu ý tổng doanh số bán hàng trong mùa mua sắm Giáng sinh chỉ tăng 4% và phần lớn là do giá cao hơn chứ không phải do người tiêu dùng thực sự mua nhiều thứ hơn.

Trong khi đó, ông Samuel Rines, chiến lược gia về đầu tư tại Corbu lấy một loạt doanh nghiệp, trong đó có Unilever làm ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược tăng giá để đảm bảo doanh số. Ông cho biết Unilever đã tăng giá trung bình 13,3% trên tất cả các thương hiệu của mình trong năm 2022 và doanh số bán hàng của họ giảm 3,6% trong năm đó. Trước tình hình này, năm ngoái, công ty chỉ tăng giá 2,8%, doanh số bán hàng tăng 1,8%. Tương tự, sau khi doanh số bán hàng giảm trong ba tháng cuối năm 2023, các lãnh đạo của PepsiCo đã báo hiệu rằng năm nay họ sẽ kiềm chế việc tăng giá và tập trung hơn vào việc thúc đẩy doanh số.

Theo đánh giá của các quan chức Fed, chính sự hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ khi giá cả hàng hóa tăng cao là một lý do chính khiến họ kỳ vọng lạm phát sẽ từng bước giảm về mức mục tiêu 2%. Các khảo sát của các ngân hàng khu vực thuộc Fed cho thấy các công ty trên tất cả các ngành dự kiến sẽ tăng giá ít hơn trong năm nay. Chi nhánh Fed tại New York cho biết các công ty trong khu vực có kế hoạch tăng giá trung bình khoảng 3% trong năm nay, giảm từ mức khoảng 5% trong năm 2023 và mức 7%-9% trong năm 2022.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục