Chợ truyền thống và kênh bán lẻ thay đổi để tiếp cận hành vi tiêu dùng mới

15:30' - 25/07/2025
BNEWS Trong bối cảnh sức mua ngày càng suy giảm, chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại phải nhanh chóng thích nghi, thay đổi cách tiếp cận với hành vi tiêu dùng mới.
Thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh ngày càng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, khi người tiêu dùng có xu hướng siết chặt hầu bao trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng, trong khi thu nhập không cải thiện đáng kể. Cạnh tranh giữ người tiêu dùng cần một thị trường minh bạch, cách tiếp cận phù hợp để nâng cao trải nghiệm mua sắm, trình kích thích chi tiêu.

* Giá tăng, nhu cầu giảm

Số liệu từ Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2025 của Thành phố tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 5,27% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,19%. Các mặt hàng thiết yếu; trong đó có thịt lợn, rau củ quả tăng nhẹ khiến chi tiêu hàng ngày  của người dân đội lên đáng kể.

 
Chị Nguyễn Thị Toán (ngụ phường Diên Hồng, TP. Hồ Chí Minh) tần ngần đứng trước quầy thực phẩm trong siêu thị, xem xét kỹ giá cả từng món đồ trước khi cho vào giỏ. Chị Toán chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi siêu thị mỗi tuần 2-3 lần, mua sắm thoải mái, không ngại cải thiện bữa ăn cho gia đình bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Giờ chi phí sinh hoạt tăng lên, lại chuẩn bị đến năm học mới nên mình dè sẻn lại một chút, mua sắm gì cũng cân nhắc”.

Cũng giống như chị Toán, rất nhiều người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá hàng hóa, dịch vụ tăng, trong khi thu nhập chưa theo kịp. Lựa chọn hàng khuyến mãi nhiều hơn hoặc giảm bớt các món ăn đắt đỏ trong giỏ hàng hóa là giải pháp nhiều người lựa chọn.

Chị Trần Thị Hà (ngụ phường Phú Thuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây lựa chọn mua sắm theo nhu cầu, giờ thì quan tâm nhiều hơn đến các chương trình giảm giá, nhiều món đồ thiết thực, nếu giảm giá sâu, tôi sẽ mua về để dùng dần. Trong khẩu phần ăn hàng ngày tôi cũng ưu tiên những thực phẩm đủ dinh dưỡng nhưng giá rẻ hơn, ví dụ thay thịt bò nhập khẩu bằng thịt bò trong nước, thay cá hồi bằng một số loại cá rẻ hơn…”.

Hành vi tiêu dùng thay đổi rõ rệt, cho thấy người dân TP. Hồ Chí Minh đang dần “thực dụng” và “dè dặt” hơn. Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Tân Định (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Buôn bán ngày càng ế ẩm, khách hàng đến tận quầy xem loại nào ngon, giá hợp lý mới mua. Thay vì mua 1 kg như trước đây, giờ họ chỉ mua 5 - 7 lạng thôi, mình phải đặt hàng ít lại, tránh lỗ”.

Theo  các chuyên gia phân tích thị trường, thắt chặt chi tiêu là phản ứng dễ hiểu của người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả hàng hóa xu hướng leo thang. Nghiên cứu của Vietstats (nền tảng tổng hợp dữ liệu kinh tế) cũng chỉ ra, thị trường bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng còn yếu, trong khi phí vận tải hàng hóa tăng, nguyên vật liệu đầu vào biến động, mặt bằng giá khó tiết giảm.

Cũng theo nghiên cứu của Vietstats, dù vẫn giữ tỷ trọng cao song  nhiều nhóm hàng thiết yếu đang sụt giảm dần trong cơ cấu hàng hóa, cụ thể: lương thực – thực phẩm giảm từ 19% năm 2020 xuống 17,5% năm 2024; hàng may mặc cũng giảm từ 21% xuống 18%...

Các chợ truyền thống được cho sẽ chịu tác động lớn hơn vì khó cạnh tranh về giá, trong khi các kênh bán lẻ hiện đại, nếu không có chiến lược dài hạn, sẽ khó duy trì sức hút với người tiêu dùng.

* Tăng khuyến mãi, giữ chân khách hàng

Trong bối cảnh sức mua ngày càng suy giảm, chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại phải nhanh chóng thích nghi, thay đổi cách tiếp cận với hành vi tiêu dùng mới. Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống chăm chút hơn cho sạp hàng của mình bằng cách bán hàng chất lượng, đa dạng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp người dân liên tục “đổi món”. Thay vì bán lẻ, nhiều tiểu thương chuẩn bị sẵn combo hàng thiết yếu, hoặc sơ chế, đóng gói sẵn, giúp người đi chợ dễ dàng lựa chọn đủ món cho bữa ăn.

Chị Phạm Thị Hương, chủ sạp hải sản tại chợ trên phường Tân Mỹ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Khi mình sơ chế sẵn, khách hàng hài lòng hơn, họ mang đồ về chỉ cần rửa sạch lại là chế biến món ăn, lần sau họ quay lại sạp mình. Trong tình hình mua bán ế ẩm, giữ được khách đã là mừng, lấy công làm lãi”.

Theo các chuyên gia thị trường, người tiêu dùng đô thị không chỉ mua sắm đơn lẻ mà còn kỳ vọng vào trải nghiệm mua sắm tổng thể, hậu mãi tiện lợi và dịch vụ đa kênh. Vì vậy, không chỉ chợ truyền thống, mà hệ thống bán lẻ cũng phải chạy đua giữ chân khách hàng. Đơn cử như hệ thống WinMart, không chỉ dừng lại ở bán hàng, mà còn thiết kế các không gian mua sắm mang tính trải nghiệm, đồng thời triển khai hàng loạt ưu đãi hấp dẫn theo mùa, tập trung vào trên 200 sản phẩm thiết yếu, đồng loạt giảm giá mạnh, có nhóm hàng lên tới 50% hay mua 1 tặng 1.

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng lấy trọng tâm khuyến mãi vào các nhóm thực phẩm, tiêu dùng thiết thực với giỏ hàng hóa của các bà nội trợ. Không chỉ giảm giá sâu nhiều mặt hàng hàng gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thời trang…, hệ thống còn tập trung chương trình khuyến mãi vào nhóm thực phẩm tươi sống để tăng sức mua trong siêu thị.

“Chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp để có những giải pháp điều tiết giá tốt nhất, tập trung các chương trình kích cầu nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng thiết yếu, vừa đa dạng phân khúc khách hàng, vừa đa dạng giỏ hàng hóa hàng ngày cho người tiêu dùng, qua đó sức mua cải thiện và ổn định như kỳ vọng”, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Siêu thị Lotte Nam Sài Gòn cho biết.

Là thị trường bán lẻ sôi động, chiếm khoảng 25% quy mô thị trường cả nước, TP. Hồ Chí Minh cũng đi đầu trong thực hiện các chương trình khuyến mại tập trung và bình ổn giá. Không chỉ các siêu thị, mà các doanh nghiệp cũng chạy đua kích cầu thị trường thông qua các hoạt động khuyến mại tập trung được triển khai từ 15/6 - 15/9. Hơn 10.000 doanh nghiệp, tung ra gần 80.000 hoạt động khuyến mãi; trong đó, chú trọng nhóm khách hàng có thu nhập thấp như công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Các doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tư nghiên cứu, phát triển, đa dạng sản phẩm, tạo ra dấu ấn riêng trên thị trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện. Thị trường ngày càng cạnh tranh theo hướng tích cực, hình thức khuyến mãi đa dạng, sôi động hơn, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Đây cũng là giải pháp để doanh nghiệp duy trì thị phần, giữ chân người tiêu dùng”.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, trong giai đoạn người dân thắt chặt chi tiêu, yếu tố quyết định thành bại của kênh bán hàng, không chỉ nằm ở giá rẻ, mà còn là chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ phải hiểu hành vi tiêu dùng của người dân, để thiết kế sản phẩm cũng như chương trình khuyến mãi phù hợp với từng phân khúc mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc khối bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ (công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu) nhận định: “Sức cung của thị trường đang cao hơn nhu cầu mua sắm khiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ khốc liệt. Trong bối cảnh đó, ai hiểu khách hàng hơn sẽ có cơ hội chiến thắng tốt hơn. Việc số hóa hành vi tiêu dùng của khách hàng rất quan trọng, giúp doanh nghiệp đo lường, đánh giá mức độ chi tiêu, thói quen và hành vi tiêu dùng để kích cầu đúng trọng tâm, trọng điểm”.

Người tiêu dùng đang trở nên thực dụng hơn trong chi tiêu, là thách thức, cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp, chợ truyền thống tái cấu trúc lại cách tiếp cận, xây dựng niềm tin và tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục