Hàn Quốc tìm kiếm "lá bài chủ chốt" để đàm phán thuế quan với Mỹ

10:21' - 16/04/2025
BNEWS Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch đánh giá tính khả thi của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Alaska của Mỹ.

Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch đánh giá tính khả thi của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Alaska của Mỹ, vốn đang nổi lên như một trong các nội dung quan trọng cho cuộc đàm phán thương mại Hàn Quốc-Mỹ về thuế quan.

Trong bài thuyết trình tại Diễn đàn Liên đoàn công nghiệp ngày 15/4 về chủ đề "Chính sách năng lượng tương lai của Hàn Quốc trong thời đại chuyển đổi lớn", Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Choi Nam-ho cho biết sẽ sớm đến thăm bang Alaska (Mỹ) nhằm đánh giá tính khả thi của dự án LNG.

 

Ông Choi nhận định nếu LNG từ bang Alaska được phát triển và cung cấp cho thị trường Đông Bắc Á, quãng đường vận chuyển sẽ được rút ngắn gần một nửa, mặc dù chi phí sản xuất có cao hơn nhưng đây vẫn có thể là một lựa chọn có ý nghĩa đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, chi phí ban đầu có thể rất lớn vì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng và thiết bị như đường ống dẫn khí thiên nhiên hóa lỏng; mức giá cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ trưởng Choi cho rằng dự án LNG ở khu vực Alaska có thể trở thành một phần trong gói đàm phán thuế quan với Mỹ, đặc biệt là đối với ngành ô tô, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo đó, Hàn Quốc có thể nhượng bộ trong dự án LNG ở Alaska nếu nhận được ưu đãi lớn trong đàm phán thuế quan về ô tô.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh vì dự án này có khả năng gây bất lợi ở một số khía cạnh khác, nên Chính phủ chưa đưa ra quyết định cuối cùng và vẫn đang trong quá trình xem xét nội bộ, cũng như tiếp tục đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ. Hàn Quốc hiện đang có thêm thời gian để đàm phán nhờ việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.

Trong bài phát biểu ông Choi cũng dự đoán việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có thể vẫn được duy trì ở mức nhất định về ngắn hạn trong năm nay khi ông Donald Trump nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai, nhưng sẽ dần chuyển mạnh sang tiêu thụ năng lượng sạch về trung và dài hạn.

Chính phủ Hàn Quốc đang hướng tới việc mở rộng năng lượng tái tạo, triển khai năng lượng hydro và tăng cường năng lực cạnh tranh của điện hạt nhân, bằng phương án tăng cường năng lực cạnh tranh và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng không phát thải carbon.

Hàn Quốc cũng có kế hoạch tạo ra mô hình xuất khẩu toàn diện tích hợp từ xây dựng trạm phát điện, cơ sở hạ tầng truyền tải điện, đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, truyền tải, phân phối và các dịch vụ phụ trợ. Ngoài ra, Chính phủ sẽ chủ động tham gia các dự án phát triển đô thị mới tại các nước đang phát triển và công cuộc tái thiết Ukraine.

Chủ tịch Diễn đàn Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (KIAF) Jeong Man-ki trong bài phát biểu khai mạc sự kiện cũng nhận định việc chính quyền Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, bãi bỏ chế độ bắt buộc bán xe ô tô điện tại Mỹ và theo đuổi các chính sách thân thiện với nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến sự thoái trào tạm thời trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng mới như hydro, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để thay thế nhiên liệu hóa thạch là điều không thể tránh khỏi. 

Ông Jeong Man-ki nhận định nhu cầu của các quốc gia khác đối với điện hạt nhân như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) đang ngày càng gia tăng, và cạnh tranh trong ngành công nghiệp hydro cũng trở nên gay gắt hơn, nên Chính phủ Hàn Quốc cần tích cực đầu tư vào các ngành năng lượng mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục