Hàng hóa trong nước có đủ sức cạnh tranh với hàng nhập từ ASEAN?

22:02' - 27/04/2018
BNEWS Tình hình giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước đang trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ chính sách cạnh tranh của các Hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định ATIGA.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm còn 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Để khẳng định chất lượng hàng Việt và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã với giá thành cạnh tranh...
* Mong đợi hàng giá rẻ
Dù chưa tác động nhiều, nhưng hiện nay tình hình giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước đang trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ chính sách cạnh tranh của các Hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định ATIGA.
Dù thuế suất nhập khẩu đã về 0%, song thị trường ô tô những tháng đầu năm 2018 cũng chưa cải thiện nhiều, trong khi năm 2017 nhiều người tiêu dùng quyết tâm chờ đợi sang năm 2018 để mua xe giá rẻ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2018, tổng lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam đạt 4.200 chiếc, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chỉ là 3.100 chiếc, giảm 80,8% và ô tô tải là 839 chiếc, giảm 90,4%.
Do vướng các quy định mới tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03 về việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nên dù thuế đã về 0%, nhưng ôtô nhập khẩu từ các nước ASEAN vẫn chưa thể có mặt trên thị trường. Chỉ có hãng Honda vừa nhập về 2.000 chiếc đầu tiên từ Thái Lan để hưởng thuế nhập khẩu 0% theo lộ trình giảm thuế nội khối ASEAN.
Các chuyên gia cho rằng, các nước ASEAN có đặc điểm về điều kiện tự nhiên và văn hoá khá tương đồng với Việt Nam. Do vậy, những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp ASEAN. Không chờ đến khi thuế suất về 0% mà thời gian qua các mặt hàng của các nước như: trái cây, rau, củ, quả, thực phẩm chế biến, đồ uống, đồ chơi, quần áo, hàng gia dụng… đã có mặt ở thị trường Việt Nam, phủ khắp từ siêu thị lớn đến các chợ truyền thống hay các trang bán hàng online.
Do đó, khi thuế suất về 0%, sự cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn bởi các doanh nghiệp ASEAN có sự chuẩn bị tốt hơn chúng ta. Họ có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam rất rõ nét nhờ sự dẫn dắt của các Công ty bán lẻ ưu tiên phân phối hàng nước họ. Theo đó, hệ thống này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với doanh nghiệp nước họ, nhưng khó khăn và bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước trong việc đạt chuẩn để đưa vào hệ thống phân phối của họ tại Việt Nam.
Cũng như mặt hàng ô tô, nhiều ngành nghề khác cũng đang theo lộ trình triển khai ATIGA, kể từ năm 2018 phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan và hàng loạt hàng hóa ngoại nhập sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam. Theo khảo sát tại một số Trung tâm thương mại, chợ truyền thống và siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh, các mặt hàng đường cát, bánh kẹo, trái cây nhiệt đới, hạt, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… có xuất xứ ngoại nhập từ các nước ASEAN giá cả vẫn chưa có nhiều biến động, nhưng một số mặt hàng giá giảm nhẹ so với trước đây.

Một số trang bán hàng online như: Shopee, Lazada đều có mức giá giảm từ 18 - 20% đối với sản phẩm cùng loại của Việt Nam như: nước trái cây, kẹo trái cây, đường xuất xứ Thái Lan. Đặc biệt gần đây nổi lên thương hiệu mía hữu cơ Thái Lan được bày bán khắp các trang mạng với giá chỉ từ 40.000 - 50.000/kg, thấp hơn rất nhiều so với các thương hiệu đường từ châu Âu.
Một chủ shop bán các sản phẩm thương hiệu Thái Lan trên trang shopee cho biết, thời gian gần đây sản phẩm đường hữu cơ được người tiêu dùng trong nước săn lùng, trong khi đường thô trong nước không đủ đáp ứng hoặc giá khá cao khiến nhu cầu sử dụng đường hữu cơ được xách tay về Việt Nam có giá khá bình dân nên được người tiêu dùng đón nhận.
* Đổi mới để cạnh tranh
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thuế nhập khẩu về 0% chắc chắn sẽ tác động đến giá cả hàng hóa nhập khẩu. Tùy vào từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh vì hàng nhập khẩu miễn thuế, giá rẻ hơn, từ đó bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp Việt có trụ nổi hay không còn tùy thuộc vào sự cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Với những quốc gia có lộ trình giảm thuế nhập khẩu thì thời gian vẫn còn để các doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà còn về chất lượng. Doanh nghiệp không nên quá lo lắng, nhưng không được chủ quan vì cho rằng có lợi thế sân nhà.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, lâu nay phần lớn doanh nghiệp Việt thiếu định hướng xuất khẩu nên không nắm bắt các tiêu chuẩn của các nước cũng như không am hiểu đường đi, nước bước khi xuất khẩu. Tuy thuế suất bằng 0%, nhưng khả năng sản xuất đạt chuẩn để xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối ở các thị trường quốc tế rất hạn chế (nếu không muốn nói là không có khả năng) nên đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội.
Khi hàng nước ngoài với tiêu chuẩn cao hơn, các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng an toàn, chất lượng, mẫu mã, giá thành thấp hơn sản phẩm trong nước (do năng suất sản xuất cao hơn) thì nguy cơ khách hàng nội quay lung với doanh nghiệp nội cũng là điều dễ hiểu.
“Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là quản lý sản xuất không theo chuẩn mực quốc tế, công nghệ lạc hậu, năng lực khai thác thị trường rất yếu… Do vậy, lãng phí trong sản xuất là khá lớn, năng suất lao động thấp nên giá thành cao, chất lượng thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên năng lực cạnh tranh kém. Sự liên kết trong sản xuất các mặt hàng chế biến thực phẩm từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến phân phối giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối rất rời rạc.

Mặt khác, hệ thống phân phối trong nước đang mất dần vào các Tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mất hệ thống bán lẻ là nguy cơ mất đi mặt trận phân phối cho sản phẩm trong nước”, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Do đó, để ứng phó với tình hình mới, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần có tư duy toàn cầu về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. Doanh nghiệp cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua tận dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị doanh nghiệp. Có lẽ chỉ có việc tạo ra lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh chúng ta đã mất quá nhiều lợi thế trong thời gian qua.
Ngay lúc này, cần hướng dòng vốn của người dân vào sản xuất thông qua các biện pháp ngăn chặn đầu cơ. Mặc dù bài toán hạn chế đầu cơ tuy sâu xa, nhưng rất quan trọng vì nó gián tiếp thổi luồng gió mới cho phát triển sản xuất kinh doanh. Không chỉ ATIGA mà các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tác động tích cực đến doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Theo ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, CPTPP sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội nhập khẩu các sản phẩm, nguyên liệu từ nhiều nước khác nhau và quy trình nhập khẩu sẽ được đơn giản hóa so với trước đây. Trên cơ sở đó giảm được các chi phí, thuế… kéo theo giảm được giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, với lượng hàng hóa nhiều như vậy cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng và giá trị của sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, cần phải siết lại quy trình nhập khẩu hàng hóa để đảm bảo chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng, giá thành, giá trị sản phẩm hay nói khác đi là phải tạo ra sự khác biệt. ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục