Hàng không Anh và EU sẽ hoạt động thế nào nếu Brexit "cứng" xảy ra?

07:29' - 26/09/2018
BNEWS Hàng không Anh và EU đứng trước nguy cơ các chuyến bay bị gián đoạn hoặc bị hoãn trong trường hợp các hãng hàng không “tự động” mất quyền bay qua lãnh thổ của nhau theo chương trình “Bầu trời mở”.

Ngành vận tải hàng không Anh và Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ các chuyến bay bị gián đoạn hoặc bị hoãn trong trường hợp các hãng hàng không “tự động” mất quyền bay qua lãnh thổ của nhau theo chương trình “Bầu trời mở” của EU nếu như nước Anh rời khối vào ngày 29/3/2019 mà không đạt được thỏa thuận nào, hay còn gọi là Brexit “không thỏa thuận”.

Trong khi đó, xe tải của Anh cũng không thể đi vào một số nước EU như trước, khi hệ thống tự nhận diện giấy phép được cấp tại Anh không còn hiệu lực.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh vừa công bố báo cáo mới nhất với những lưu ý về mặt kỹ thuật đối với ngành hàng không Anh cho kịch bản Brexit "không thỏa thuận", trong nỗ lực nhằm khuyến khích các công ty Anh thực hiện phương án dự phòng tình huống Brexit “không thỏa thuận”, các hãng hàng không hoạt động trong khu vực Anh và EU sẽ phải xin phép tại từng nước.

Người đứng đầu cơ quan đại diện ngành hàng không, vũ trụ, quốc phòng, an ninh ADS của Anh, Paul Everitt, cảnh báo ngành này đứng trước rủi ro gián đoạn lớn. Trong khi đó, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và kinh tế thuộc Phòng Thương mại Anh, Mike Spicer, lưu ý rằng việc mất khả năng tiếp cận thị trường trong một số lĩnh vực cũng khiến các doanh nghiệp khó tránh khỏi bị xáo trộn mạnh.

Theo kế hoạch, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) sẽ tiếp quản các chức năng của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA), đồng thời toàn bộ quy định an toàn vận tải đường không của EU cũng sẽ được tích hợp vào luật của Anh kể từ ngày 29/3/2019.

Đối với ngành vận tải đường bộ, hiện chưa rõ thời điểm cũng như liệu các thỏa thuận thương mại song phương có thể có hiệu lực. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Anh, trong tình huống này, sẽ chỉ có 2-5% xe tải qua biên giới Anh-EU hiện nay có thể hoạt động trên tuyến này. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung ứng hàng hóa sang Anh bị gián đoạn và hạn chế.

Ngoài vận tải hàng hóa, xe buýt và xe khách cũng có thể không còn tiếp cận được thị trường EU như trước đây nếu tình huống Brexit "không thỏa thuận" xảy ra.

Chính phủ Anh khuyến nghị các công ty điều hành xe buýt và xe khách đưa vào thêm các điều khoản hợp đồng cho phép họ ký hợp đồng phụ toàn bộ hoặc một phần chặng đi với các công ty điều hành xe buýt tại EU, khi họ đặt chỗ cho các xe khách đi tuyến châu Âu sau ngày 29/3/2019.

Tuy nhiên, phía Anh sẽ vẫn cho phép xe buýt và xe khách của EU tiếp tục chở khách ra vào Anh, nhằm đảm bảo dòng du khách và sinh viên đến "xứ sở sương mù" không bị gián đoạn.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh và EU vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào do bất đồng quan điểm trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland - nước thành viên EU và vấn đề thương mại giữa hai bên.

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức vừa diễn ra tại Áo, các nhà lãnh đạo EU đều tỏ rõ lập trường cứng rắn khi yêu cầu Anh điều chỉnh kế hoạch Brexit. Đáp lại, Thủ tướng May tiếp tục khẳng định nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận./.

Xem thêm:

>>Kế hoạch Chequers - Nút thắt trong đàm phán Brexit

>>EU lùi thời gian thỏa thuận với Anh vào tháng 11

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục