Hàng lậu, hàng giả gây nhiễu loạn thị trường thương mại điện tử

15:16' - 08/12/2023
BNEWS Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, đặc biệt trên môi trường TMĐT, tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.

Đây là thông tin được các chuyên gia thông tin tại Tọa đàm Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp do Tạp chí Hải quan tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/12.

 

Gian lận ngày càng tinh vi

Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, thông tin, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường, nhất là đối với hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; hàng hóa khan hiếm trên thị trường như: khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như: đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, hàng lậu, phụ tùng xe đạp, xe máy…

Trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 433,5 tỷ đồng. Riêng về hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, từ năm 2022 đến nay, hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc với tổng trị giá hàng hóa trên 18 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết thêm, sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng "nóng" đó, kéo theo hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, hiện tượng các đối tượng người nước ngoài “núp bóng”, cấu kết với các đối tượng trong nước cũng như các đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào thị trường trong nước tiêu thụ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cần được sớm quản lý.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), riêng số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện, bắt giữ từ đầu năm tới nay đã lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc; trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn. Chẳng hạn, lô hàng gần 40 container dây cáp điện có dấu hiệu giả mạo xuất xứ do một doanh nghiệp nhập khẩu qua cảng Cát Lái đã bị Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh phát hiện vào cuối tháng 2/2023 đang được Công an Tp. Hồ Chí Minh điều tra làm rõ.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Sản phẩm nhái, giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó phân biệt nếu không có hàng thật đối chứng. Với giá bán chỉ bằng 1/10 hoặc 1/8 giá sản phẩm chính hãng nên hàng giả thu hút được nhiều người tiêu dùng.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài bị nhập lậu, trốn thuế và bán với giá chỉ bằng 1/2 giá hàng nhập khẩu chính thức. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và xâm phạm quyền lợi chính đáng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, hiện nay, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt nếu thiếu sự quản lý, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cần hành đồng quyết liệt

Ông Trần Văn Dũng chia sẻ, quá trình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc lực lượng quản lý thị trường cũng như các lực lượng chuyên ngành khác gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, các đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ, chuyên nghiệp và sử dụng các thiết bị, công cụ hiện đại trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm hiện nay không chỉ xảy ra trong hoạt động kinh doanh truyền thống mà dần dịch chuyển nhiều sang môi trường kinh doanh thương mại điện tử.

Trong khi đó, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn chưa kịp thời và tồn tại nhiều bất cập. Chưa kể, một số cơ chế quản lý còn chồng chéo, tạo “lỗ hổng” cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, cũng phải nhìn nhận thực tế là thu nhập của hầu hết người dân chưa cao, hàng hoá trong nước chưa đáp ứng được với nhu cầu người tiêu dùng trong nước dẫn đến tình trạng một số bộ phận người dân chấp nhận sử dụng hàng hoá “phù hợp với túi tiền” mà không quan tâm tới các vấn đề khác.

Theo ông Trần Văn Dũng, để khắc phục tình trạng hàng “thật giả lẫn lộn” Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần sớm xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các bộ, ngành. Đặc biệt, cần chú ý rà soát, sửa đổi quy định về thương mại điện tử nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa giao dịch trên thương mại điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm truy xuất hiệu quả các thông tin về người bán, giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên thương mại điện tử, biện pháp xử lý khẩn cấp vi phạm trên môi trường mạng.

Song song với việc chống hàng lậu, hàng giả, các địa phương cần tạo điều kiện phát triển các sản phẩm, thương hiệu nội địa có chất lượng, uy tín có thể tiếp cận tới người tiêu dùng. Chính sách an sinh xã hội cần kịp thời quan tâm tới người thất nghiệp, người không có công việc ổn định đặc biệt tại các địa bàn các tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển bởi lẽ đây là một trong những nhóm người được các đối tượng vi phạm nhắm tới để lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Vũ Hoài Linh cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và các vụ, cục chức năng, các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh. Hiện các lực lượng chống buôn lậu đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm từ cửa khẩu đến thị trường.

Dù đạt được nhưng kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan còn những khó khăn, vướng mắc do bất cập, thiếu sự thống nhất  trong quy định của pháp luật. Ví dụ, đối với việc xử lý hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu, cả Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ có quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hoá theo 2 loại hình này; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bị xử lý hình sự, do đó các biện pháp xử phạt hành chính thiếu tính răn đe với hành vi này. Mặt khác, chính các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền nhiều khi còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm.

“Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp chung tay phòng, chống buôn lậu; trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông Vũ Hoài Linh khuyến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục