Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 1: Chuyển dịch sang kinh tế xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút xây dựng đề án tổng thể về quản lý chất thải nhựa để trình Thủ tướng chính phủ trong năm nay. Một số bộ, ngành cũng đang rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy v.v...
Với quyết tâm chấm dứt thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Ngay lập tức, lời "hiệu triệu" đã thu hút sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng ngõ ngách của đời sống. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại tình trạng "ô nhiễm trắng" không hề đơn giản!
Ban Biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 5 bài viết về chủ đề chống rác thải nhựa đưa ra những cảnh báo, giải pháp cho vấn nạn mang tính toàn cầu này cũng như bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản là nước có lượng rác thải nhựa đứng thứ hai trên toàn cầu.
Bài 1 - Chuyển dịch sang kinh tế xanh
Báo động “ô nhiễm trắng”
Lưng áo đẫm mồ hôi, giữa nắng hè oi bức, anh Nam công nhân môi trường oằn lưng đẩy xe chứa túi ni lông lớn nhỏ đựng rác lẫn lộn với đủ thứ chai lọ nhựa. Đây là hình ảnh thu gom rác thường ngày ở Hà Nội - nơi mỗi ngày thải ra môi trường hàng chục tấn rác thải nhựa.
Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi ni lông được tiêu thụ. Riêng Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông. Thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni lông/tháng.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Đây thực sự là những con số đáng báo động về vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” mà Việt Nam đang phải đối mặt. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Việt Nam có 3000 km đường biển và 112 cửa biển, đây vừa là lợi thế và cũng là đường vận chuyển rác thải nhựa ra biển. Theo chương trình môi trường Liên hợp quốc công bố, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippine.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa; trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015.
Mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được "kiểm soát", song lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.Vấn đề xử lý chất thải nhựa không phải bây giờ mới đặt ra mà từ năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận việc triển khai đề án này còn nhiều vấn đề, chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Cơ chế chính sách về cơ bản đã có tuy nhiên để triển khai vào cuộc sống còn phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
TS Nguyễn Phương Loan, Khoa Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng còn có sự lúng túng trong quản lý xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng, cả về chính sách, chế tài, công nghệ, cho đến mô hình cụ thể.Lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát triển. Hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường.
“Tái chế nhựa tạo ra các sản phẩm tiêu dùng một lần rút ngắn tuổi thọ hàng nhựa, đẩy nhanh chúng ra bãi rác, nên không có lợi về môi trường trong khi chúng ta chưa có chế tài riêng kiểm soát việc sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần này”, TS Loan nói.Trong khi đó, thói quen của người dân dùng túi ni lông, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là ni lông tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.Ngoài việc tổn hại về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tiêu tốn tiền của để xử lý, rác thải nhựa cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Nếu không giải quyết được vấn đề rác thải nhựa thì dần dần môi trường sống của các loài cá, sinh vật biển sẽ bị ảnh hưởng, các sinh vật biển không phát triển được thì con người cũng không có nguồn lợi để khai thác.PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhận định rằng, với ngành du lịch cũng vậy, rõ ràng khi rác thải nhựa tràn lan thì khách du lịch họ sẽ không đến nhiều. Rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế như làm muối, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven biển.Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanhTại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc vào ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần phải có quyết tâm thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa. Bộ cần khẩn trương đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ vào khu công nghiệp tập trung để quản lý; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất túi ni lông khó phân hủy; kiên quyết trả lại các lô hàng phế liệu nhựa không cấp giấy phép chính thức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc thành lập Liên minh các doanh nghiệp Chống rác thải nhựa, các sáng kiến chống rác thải của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đồng thời nêu rõ Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Đáp ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation nhằm hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường.
Gần đây, tại Hà Nội, hơn 200 doanh nghiệp đã ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng.Để chỉ đạo của Thủ tướng cũng như những nỗ lực này có thể đi vào cuộc sống cần tiếp tục có những hoạt động thường xuyên, liên tục cùng với những chính sách giải pháp cụ thể.
Giải pháp trọng tâm theo ông Nguyễn Thượng Hiền là đi từ cơ chế chính sách, hoàn thiện đồng bộ chính sách như sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường để tăng thuế bảo vệ môi trường với việc sử dụng sản phẩm nhựa.Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế cho các vật dụng bằng nhựa thông qua việc hỗ trợ về công nghệ, biện pháp kinh tế để doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như đẩy mạnh về truyền thông để từ ý thức chuyển sang hành động cụ thể.
“Thủ tướng chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể về quản lý chất thải nhựa, cuối năm trình Thủ tướng chính phủ ban hành để xử lý căn cơ vấn đề này”, ông Hiền cho biết.Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được Chính phủ giao sửa lại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, dự kiến có đặt ra lộ trình loại một số loại phế liệu nhựa có khả năng tái chế thấp ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về quản lý chất thải phế liệu; trong đó có đưa ra những giải pháp cụ thể về nhập khẩu phế liệu nhựa.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất “Chính phủ cũng như các bộ ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương tạo ra hệ sinh thái, tạo ra môi trường bằng những quy định khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn”.
Kinh tế tuần hoàn là khái niệm còn khá mới nhưng có nền tảng áp dụng công nghệ sẽ giúp thúc đẩy mô hình kinh doanh sáng tạo mới, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.Bên cạnh hỗ trợ về vốn, mặt bằng đất đai, cần có sự giải tỏa ngay chính sách về xử lý chất thải, quy định rõ ràng chất thải nào được coi là nguyên vật liệu thứ cấp để có thể được trao đổi, buôn bán. “Khi được hành lang pháp luật bảo vệ, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào khoa học công nghệ để biến những chất như nhựa thành những sản phẩm khác có giá trị sử dụng đạt quy chuẩn về môi trường”, ông Vinh tin tưởng nói.Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) trực thuộc VCCI đang phối hợp chặt chẽ với các hội viên và đối tác lớn trong nước và quốc tế để triển khai thí điểm Dự án không xả thải vào thiên nhiên nhằm giảm thiểu các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa tại Tp. Hồ Chí Minh.VBCSD/VCCI cũng đang triển khai Dự án Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp giúp các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng. Mô hình này sẽ giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu là phế thải vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bền vững hơn từ đó đưa ra mô hình kinh doanh mới đem lại giá trị về công ăn việc làm, bảo vệ môi trường./.Xem thêm:
>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh
>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài 3: Rác thải nhựa – Vấn nạn toàn cầu
>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" -Bài 4: Bài học từ Nhật Bản
>>> Hành động để chống "ô nhiễm trắng" - Bài cuối: Refill bán hàng không xả rác thải nhựa
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia có kế hoạch thắt chặt nhập khẩu rác thải nhựa
20:37' - 26/07/2019
Bộ Thương mại Indonesia cho biết, nước này có kế hoạch thắt chặt nhập khẩu rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng với các biện pháp khắt khe hơn.
-
Kinh tế & Xã hội
Độc đáo du lịch trên kênh và "câu" rác thải nhựa ở Hà Lan
12:57' - 26/07/2019
Trong bối cảnh du lịch thân thiện với môi trường đang bùng nổ trên khắp thế giới, các du thuyền của tập đoàn Plastic Whale (Hà Lan) cũng đang hòa vào hình thức du lịch này.
-
Kinh tế & Xã hội
Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa
21:34' - 25/07/2019
Ngày 25/7, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch Hải Phòng giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
-
Đời sống
Chống rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực nhất
15:17' - 09/06/2019
Rác thải nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế năm 2024 sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra
18:12'
Kỳ vọng tăng trưởng đang dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
17:15'
Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
-
Kinh tế Việt Nam
Cần hoạch định rõ chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
15:53'
Tiếp tục Phiên họp, chiều 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Đánh giá hiệu quả việc sử dụng quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại
14:29'
Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
-
Kinh tế Việt Nam
Tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
09:08'
Tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 4-9/11) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là công tác lập pháp và giám sát.
-
Kinh tế Việt Nam
Lạng Sơn kiểm soát chặt chẽ những nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua cửa khẩu
08:00'
Nhằm ngăn chặn lây nhiễm, lực lượng kiểm dịch tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã tổ chức triển khai nhiều biện pháp cụ thể, kiểm soát chặt ngay từ cửa khẩu đem lại hiệu quả tích cực.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định điều động, bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
20:09' - 02/11/2024
Chiều 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
-
Kinh tế Việt Nam
Ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa
15:35' - 02/11/2024
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang được điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Quy định mới về việc lập, thẩm định đối với dự án đầu tư công
11:40' - 02/11/2024
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, các trường thông tin, dữ liệu, mẫu biểu báo cáo trên Hệ thống để tổng hợp, rà soát, đánh giá thông tin, dữ liệu nhập lên Hệ thống.