Hậu COVID-19: Phục hồi kinh tế Pháp phụ thuộc vào người tiêu dùng

12:48' - 15/05/2020
BNEWS Ngày 11/5/2020, "con tàu kinh tế" Pháp vừa được chính thức kích hoạt lại sau hai tháng phong tỏa với mọi hoạt động bị đóng băng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

12 triệu người lao động tại Pháp đang ở trong tình trạng thất nghiệp bán phần, với 120 tỷ euro thất thu trong 8 tuần lễ chao đảo vì virus SARS-COV-2. Paris đã phải bơm thêm 110 tỷ euro vào ngân sách bổ sung, đồng thời bảo đảm 1000 tỷ euro tín dụng cho các doanh nghiệp.

Làm thế nào để khởi động lại nền kinh tế lớn thứ năm của thế giới? Đâu là những lợi thế để nước này nhanh chóng thoát khỏi tình trạng "hôn mê" kinh tế hiện tại? Chuyên gia Eric Heyer, Giám đốc phòng phân tích và dự báo thuộc Đài quan sát về Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE), đã lần lượt trả lời các câu hỏi trên.

* Kinh tế lao đao

Theo thống kê của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 5,8% trong ba tháng đầu năm 2020 do tác động trực tiếp dịch của COVID-19.

Tuy nhiên, sự thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nữa trong quý II, do từ ngày 17/3/2020 đến 11/5/2020, Pháp chỉ hoạt động cầm chừng trong tất cả mọi lĩnh vực: 77.000 hiệu cắt tóc trên toàn quốc phải đóng cửa, tương tự như 15.000 cửa hàng hoa, 38.000 hiệu quần áo hay gần 4.000 hiệu sách.

Tất cả các nhà hát, sân khấu kịch nghệ đều hạ màn "vô hạn định". Không một chương trình lễ hội văn hóa nào được dự trù trong suốt mùa Xuân và mùa Hè. Đó là chưa kể các nhà máy công nghiệp trong ngành xe hơi, công nghệ chế tạo máy bay, các công trường xây dựng đều tạm thời "niêm phong". Gần như toàn bộ ngành hàng không dân sự bị "chôn chân trên mặt đất".

Trả lời RFI tiếng Việt, kinh tế gia Eric Heyer, Đài quan sát OFCE đánh giá: "Nhìn chung sau 8 tuần phong tỏa, hoạt động kinh tế bị giảm sút và khoản thất thu ước tính lên tới hơn 120 tỷ euro trong hai tháng.

Rõ rệt nhất là trên thị trường lao động có thêm gần 500.000 người tìm việc làm do trong thời gian qua, các doanh nghiệp không tuyển dụng thêm nhân viên. Cũng nhờ biện pháp hỗ trợ thất nghiệp bán phần của chính phủ mà khu vực sản xuất và dịch vụ không sa thải hàng loạt, đó là một điểm son của Pháp.

Yếu tố thứ hai là tiêu thụ của các hộ gia đình giảm mạnh, đổi lại tiền tiết kiệm đã tăng nhanh. Trong hai tháng vừa qua, có thêm 55 tỷ euro được ký gửi trong ngân hàng. Dân chúng không mua bán vì hàng quán, các địa điểm vui chơi giải trí đóng cửa, thậm chí các dịch vụ mua bán trên mạng cũng gần như đóng băng. Điều đáng mừng ở đây là mãi lực của hầu hết dân Pháp không bị suy giảm.

Về phía doanh nghiệp, thời gian qua, các cửa hàng, nhà máy phải đóng cửa, không buôn bán gì được, hoặc chỉ hoạt động tối thiểu, nhưng vẫn có những chi phí cố định. Đây là một khoản thất thu không nhỏ.

Nhìn đến ngân sách của Nhà nước, quá rõ ràng là các khoản chi tiêu đã tăng vọt qua các dự luật ngân sách bổ sung hàng trăm tỷ euro. Cùng lúc chính phủ thông báo tạm ngưng thu thuế và thu các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội. Các quỹ an sinh xã hội và ngân sách của Nhà nước bị thâm hụt trầm trọng".

* Bội chi chi tiêu công

Vậy ai sẽ gánh chịu khoản thất thu 120 tỷ euro trong 8 tuần qua vừa nêu? Theo nghiên cứu của Đài quan sát về Tình hình Kinh tế Pháp, các hộ gia đình chịu 7%, phía các doanh nghiệp gánh vác hơn 30% và toàn bộ phần còn lại do chính phủ đài thọ.

Trung tuần tháng 4/2020, Bộ trưởng Ngân sách Gérald Darmanin giải thích rằng kế hoạch hỗ trợ kinh tế nhằm khắc phục hậu quả của virus SARS-CoV-2 có các khoản chi ra thì nhiều, trong khi thu vào thì ít. Điều này khiến thâm hụt ngân sách của chính phủ trong năm 2020 nhảy vọt lên tới 9%, còn nợ công trước mắt ước tính lên tới từ 115 đến 120% GDP của Pháp.

Trong khi đó, thâm hụt của các quỹ an sinh xã hội cũng đi từ "kỷ lục này đến kỷ lục khác". Quỹ bảo hiểm y tế dự báo thâm hụt 41 tỷ euro cho cả năm, còn quỹ lương hưu vốn đang trong tình trạng gần như cân bằng về mặt chi thu cuối năm 2019 thì với những tác động của COVID-19, khoản bội chi đã lên tới trên 5 tỷ euro.

Tình trạng thâm hụt là do các doanh nghiệp bất đắc dĩ phải đóng cửa trong hai tháng qua, đồng thời ngưng nộp các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội. Trong khi đó, các quỹ này vẫn phải cấp lương hưu, bồi thường các hóa đơn của bệnh viện, trợ cấp cho những người nghỉ ốm.

Ngân hàng Trung ương Pháp-Banque de France đã nói đến một tỷ lệ tăng trưởng ở số âm (-8%) cho cả năm. Viện nghiên cứu Cyclope của Pháp thì bi quan hơn khi cho rằng GDP năm nay giảm từ 15 đến 20% so với hồi năm 2019. Câu hỏi quan trọng nhất giờ đây là Pháp cần phải làm những gì để thúc đẩy con tàu kinh tế trị giá 2.500 tỷ euro này vào lúc các dự báo đều "đen tối"? 

Liên quan đến vấn đề này, Eric Heyer thuộc cơ quan OFCE trả lời: "Việc mở cửa lại các trường học cũng như khởi động lại các phương tiện giao thông công cộng là nhằm tạo điều kiện cho người lao động đi làm lại. Giải phóng lực lượng lao động là điều kiện đầu tiên để kích hoạt lại cỗ máy kinh tế. Điều kiện thứ nhì quan trọng không kém đó là làm thế nào để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trở lại, lui tới các trung tâm thương mại, các khu giải trí. Vấn đề ở đây là người dân chỉ hăng hái mua sắm như trước kia nếu họ cảm thấy yên tâm và tin tưởng rằng dịch bệnh đã đi qua. Điều này trước mắt còn là một ẩn số. Nói cách khác, thách thức đối với chính phủ là phải bảo đảm cho cả bên 'cung' và 'cầu' cùng hoạt động lại".

Lẽ dĩ nhiên, trong giai đoạn sắp tới mức độ phục hồi tùy vào từng lĩnh vực. Ví dụ như ngành du lịch hay khách sạn khó có thể bắt kịp lại những cơ hội đã bỏ lỡ trong hai tháng qua. Ngược lại các ngành như vận tải, phân phối sẽ dễ dàng phục hồi và thậm chí là còn phát triển mạnh. 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Lille, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

* Lợi thế riêng của Pháp

Có một điều chắc chắn vào lúc Pháp thận trọng "mở cửa lại" các hoạt động kinh tế, đó là virus SARS-CoV-2 đã buộc tất cả các cơ sở phải tuân thủ những chuẩn mực mới về y tế và đó là một khoản chi phí phụ trội đè nặng lên các doanh nghiệp.

Rất cụ thể là trường học dù mở cửa trở lại, nhưng chỉ đủ sức bảo đảm các điều kiện về an toàn giãn cách xã hội cho 15 học sinh thay vì 30 em như bình thường. Chính phủ cũng đang yêu cầu các tập đoàn hàng không để trống một ghế giữa hai hành khách, tăng cường các điều kiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên hơn trong các chuyến bay.

Nói cách khác, trong giai đoạn đầu "hậu thời kỳ phong tỏa", cả từ phía các nhà sản xuất lẫn phía người tiêu dùng đều thận trọng chờ xem tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến ra sao. 51% người Pháp cho biết họ mua sắm ít hơn so với trước, đồng thời dẹp bỏ bớt những khoản chi tiêu "không cần thiết".

Dù vậy chuyên gia Pháp Eric Heyer lạc quan cho rằng Paris có nhiều lá chủ bài trong tay nhằm cho phép cỗ máy kinh tế chóng phục hồi. Ông Eric Heyer giải thích: "Pháp hiện có nhiều đòn bẩy để vực dậy nền kinh tế. Đầu tiên là khả năng tài chính. Paris vẫn có thể đi vay tín dụng với lãi suất rất thấp dưới 0% cho khoản tín dụng 10 năm. Điều này có nghĩa là Pháp có khả năng đài thọ các chương trình hỗ trợ kinh tế.

Lợi thế này không phải thành viên nào trong khu vực đồng euro cũng có được. Lợi thế thứ hai là toàn bộ các cơ sở sản xuất của Pháp không hề bị hao hụt hay hư hại như trong thời kỳ chiến tranh, qua đó các nhà máy, hàng quán cơ thể mở cửa lại ngay lập tức mà không cần nhiều vốn đầu tư tái thiết.

Lợi thế thứ ba, tỷ lệ tiết kiệm rất lớn của các hộ gia đình, đặc biệt là trong hai tháng qua. Chính phủ nhờ đó bớt lệ thuộc vào dòng tư bản của nước ngoài. Đồng thời, điều đó cũng có nghĩa là các hộ gia đình đang có nhiều tiền và khả năng để chi tiêu. Vấn đề còn lại làm làm thế nào để khối tiền tiết kiệm đó quay trở lại vào thị trường, tức là người ta chịu đi mua sắm và tiêu xài".

Theo thăm dò do cơ quan Xerfi thực hiện trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4/2020 (Xerfi là một cơ quan tư nhân chuyên thăm dò và dự báo về tình hình kinh tế, trụ sở tại Paris), trong số hơn 1.000 doanh nhân được hỏi, hơn một nửa cho biết họ "tương đối" lạc quan vì cho rằng nền kinh tế có khả năng phục hồi, tuy vậy phải đợi đến cuối năm 2021 mới hy vọng bắt kịp trở lại nhịp độ của những tuần lễ hồi đầu tháng 1 và tháng 2/2020, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bao vây nước Pháp.

Mức độ tin tưởng khá vững chắc đó xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, giữa giới chủ và nhân viên vẫn có thể đối thoại khá dễ dàng, các chủ doanh nghiệp tránh được tình trạng thiếu hụt tiền mặt và ít gặp vấn đề khi đi vay tín dụng ngân hàng và sau cùng là dù gặp khó khăn, các doanh nghiệp vẫn có khả năng đầu tư thêm để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.

Các dự án đầu tư tiếp tục được duy trì, bởi khu vực sản xuất thấy rõ mãi lực của các hộ gia đình vẫn được giữ cho tới nay. Do hàng quán đóng cửa, các dịch vụ mua bán trên mạng chưa được phát triển đúng mức nên các hộ gia đình đã tạm ngừng mua sắm trong hai tháng qua, song đối với 75% dân Pháp, thu nhập không bị sụt giảm.

Theo chuyên gia kinh tế Eric Heyer, đây là một điểm son trong chính sách kinh tế của chính phủ Pháp: "Về mặt hỗ trợ thị trường lao động, chủ yếu qua biện pháp trợ cấp thất nghiệp bán phần, chính phủ đã phản ứng rất nhanh và ở quy mô lớn. Nhờ vậy mà Pháp tránh được hiện tượng "thất nghiệp bùng phát", tránh được hiện tượng các công ty bị vỡ nợ sa thải nhân viên".

Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng đến nay Nhà nước đã hoãn tất cả các khoản đóng góp của giới doanh nghiệp, từ thuế doanh nghiệp đến những đóng góp cho quỹ an sinh xã hội, song "hoãn" có nghĩa là không sớm thì muộn bên sản xuất cũng phải thanh toán những hóa đơn này.

Khi đó, một số công ty yếu kém nhất về mặt tài chính sẽ không chống chọi được nếu như phía tiêu thụ không nhanh chóng khởi động lại và nước Pháp sẽ phải đi tìm những biện pháp mới để giúp các doanh nghiệp.  

Vài ngày trước khi Pháp "khởi động" lại các sinh hoạt sau 8 tuần "phong tỏa toàn quốc", Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire tuyên bố "duy trì quỹ liên đới" với các doanh nghiệp cho đến cuối tháng 5/2020, miễn toàn bộ các khoản đóng góp của giới chủ cho các quỹ an sinh xã hội trong ba tháng (3-4 và 5/2020). Giới tiểu thương đặc biệt xem đây là một chiếc "máy trợ thở" trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.

Mục tiêu mà tất cả các nhà sản xuất, các cửa hàng dịch vụ cùng nhắm tới là làm thế nào để 66 triệu dân Pháp tự tin trở lại, lôi kéo được một phần trong con số 55 tỷ tiền tiết kiệm ủy thác ngân hàng hai tháng vừa qua trở lại các trung tâm thương mại, hiệu ăn và các khu du lịch. Chìa khóa của đà phục hồi kinh tế Pháp đang thực sự do mỗi người tiêu dùng nắm giữ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục