Hệ quả chiến thuật thương mại cứng rắn của Donald Trump đối với Trung Quốc

05:30' - 11/07/2018
BNEWS Sử dụng vấn đề thương mại để gây sức ép, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ không phải là biện pháp phù hợp, đó là bình luận của tờ Foreign Affairs về hệ quả chính sách thương mại với Trung Quốc của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trong ảnh). Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Ngày 6/7, Bắc Kinh và Washington đã cùng "khai hỏa" cuộc chiến thương mại được xem là "lớn nhất trong lịch sử", theo đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt mức thuế mới đối với một số mặt hàng của nhau.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ việc áp đặt thuế quan sau khi Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm: cắt giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấp nhận hạn chế đầu tư vào những ngành công nghệ nhạy cảm ở Mỹ, cho phép Mỹ gia tăng đầu tư tại Trung Quốc và dỡ bỏ các rào cản thương mại.
Nhiều nhà bình luận cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump là cực đoan. Tuy nhiên, việc Mỹ tìm cách đánh mạnh các đối tác thương mại không phải là điều mới mẻ. Khảo sát hệ quả từ những vòng "gây áp lực" trước đây của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể sẽ giúp tìm ra kết cục cho lần tới đây.
Tiên lượng là không tốt, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tổng thống Trump muốn đặt nước Mỹ lên trên hết để có được những thỏa thuận tốt hơn. Lịch sử cho thấy chiến lược này của ông sẽ chỉ gây phản tác dụng.
Mỹ thường sử dụng chính sách thương mại để ép buộc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ về kinh tế và chính trị. Sau năm 1979, Washington cho Trung Quốc hưởng mức cắt giảm thuế ngắn hạn (còn gọi là quy chế tối huệ quốc - MNF) và gia hạn từng năm một. Mục đích của Mỹ là buộc Trung Quốc thực thi nhiều nhượng bộ, trong đó có vấn đề cải thiện nhân quyền, giảm phổ biến vũ khí, cắt giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Mỹ cảnh báo nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Washington sẽ khôi phục lại mức thuế ở ngưỡng cao như trước. Biện pháp này đã cho thấy không hiệu quả. Mỗi năm, Trung Quốc chỉ đưa ra cử chỉ xuống thang tối thiểu như thả một vài tù nhân chính trị ngay trước thời điểm Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc gia hạn MNF cho Trung Quốc.
Đến năm 1990, Tổng thống George H. W. Bush đã buộc phải thừa nhận Trung Quốc không đáp ứng những yêu sách cải cách mà Mỹ đưa ra về nhân quyền hay nhiều lĩnh vực khác. Không những vậy, việc đe dọa tăng thuế dường như còn cản trở thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ngày nay, những chiến thuật này thậm chí còn ít có cơ hội thành công hơn. Trung Quốc giờ đây đã chiếm hơn 15% GDP toàn cầu, còn kinh tế Mỹ ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc trong suốt hơn 25 năm qua. Quả thực, Washington đang tìm cách gây sức ép với một nước có tiềm lực đáp trả.
Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thu được thắng lợi chính trị trong đòn trả đũa, vì người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ việc đáp trả Mỹ, giống như cách mà Canada thực thi sau khi bị Mỹ áp thuế. Trung Quốc đã hoàn tất danh sách mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trong diện trả đũa.
Bên cạnh đó, các đối tác thương mại khác cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, khiến Mỹ sẽ mất đi ưu thế trước những nước này trong tương lai.
Sau các cuộc tranh chấp thương mại trong quá khứ, Washington nhận thấy rằng các biện pháp đe dọa nhằm vào Bắc Kinh không khiến Bắc Kinh nhượng bộ và gây hại đến kinh tế Mỹ. Đó là lý do tại sao Mỹ đồng ý để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Gia nhập WTO được xem là cách thức loại bỏ chính sách thương mại dưới góc độ là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị, hướng đến các lợi ích mà gia tăng thương mại và đầu tư mang lại. Washington và Bắc Kinh đồng ý tạo lập một chuỗi các quy tắc và cho phép WTO giám sát tuân thủ, điều chỉnh tranh chấp.
Vấn đề hiện nay là Mỹ lại có ý định sử dụng đòn thương mại để giành ưu thế trước Trung Quốc và nhiều nước khác, nhưng tất cả hiện đều là thành viên WTO. Mỹ vì thế đang hủy hoại một cơ chế quan trọng - cơ chế mà qua đó Washington từng có thể trấn an các đối tác rằng Mỹ sẽ không sử dụng thương mại để đe nẹt.
Chính quyền Trump nhấn mạnh các bước đi của Mỹ phù hợp với quy định của WTO và vì thế Mỹ vẫn là đối tác thương mại đáng tin cậy như trước đây. WTO không có quy định về tính hợp pháp trong hành xử của chính quyền, nhưng rõ ràng hành động của ông Trump vi phạm tinh thần luật pháp và các nguyên tắc đã được định hình hàng thập kỉ.
Việc Mỹ coi biện pháp áp thuế thép, nhôm nhập khẩu phù hợp với điều khoản “miễn trừ an ninh quốc gia” của WTO đã gây quan ngại lớn vì thiếu tính minh bạch và khiến các nước khác có thể học theo. Ngoài ra, WTO cũng quy định các nước cần đem tranh chấp thương mại ra tham vấn, phán xử tại tổ chức này, thay vì có hành động trừng phạt đơn phương.
Với việc áp thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc với lý do Bắc Kinh “phản đối” chuyển giao công nghệ, Mỹ đã làm bùng lên những tranh chấp thay vì giải quyết trong khuôn khổ WTO. Việc Mỹ muốn bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ là điều có thể hiểu được. Nhưng sử dụng thương mại để gây sức ép với Trung Quốc luôn phải trả giá thực sự.
Thực tế, khi Trung Quốc gia nhập WTO, Quốc hội Mỹ nhận ra rằng Mỹ không còn có khả năng sử dụng thương mại để đe dọa Trung Quốc mà không phá vỡ các cam kết. Như Hạ nghị sĩ Robert Underwood giải thích: “Một khi đã Trung Quốc đã là thành viên của WTO, Mỹ vẫn có thể áp đặt cấm vận chống Trung Quốc, nhưng phải phù hợp với WTO”.
Vì thế, Quốc hội Mỹ đã triển khai các biện pháp thay thế như thành lập Hội đồng Cộng hòa Trung Hoa để “điều tra và chỉ trích” Trung Quốc, sử dụng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Eximbank), Cơ quan Phát triển và Thương mại (TDA), Quỹ đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) làm công cụ thay thế nhằm gây sức ép với Trung Quốc.
Bên cạnh việc sử dụng các cơ chế này, Mỹ cũng có thể đàm phán về một thỏa thuận hợp tác mới với Bắc Kinh để xử lý những mối quan ngại cụ thể của Washington. Trên thực tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có một số điều khoản về đầu tư giúp giải quyết nhiều điểm tranh cãi, nhất là ở điểm chuyển giao công nghệ.
Mỹ đã rút khỏi TPP, nhưng vẫn có thể nối lại các cuộc đàm phán kéo dài về các hiệp định đầu tư song phương đề cập đến những điểm này. Đó có thể là một quá trình diễn tiến chậm, nhưng sẽ tạo ra cơ hội thành công tốt hơn là những đe dọa và yêu sách đơn phương vốn không chỉ hủy hoại hệ thống thương mại quốc tế mà còn khiến Mỹ không có cơ hội giành được chiến thắng đáng kể nào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục