Hiểm họa từ dịch COVID-19 lớn hơn cuộc tấn công khủng bố 11/9

14:34' - 18/03/2020
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo mối đe dọa từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với ngành hàng không còn lớn hơn cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Những lo ngại về tình trạng phá sản hàng loạt và kêu gọi cứu trợ khẩn cấp từ các hãng hàng không toàn cầu được đưa ra trong ngày 17/3, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo mối đe dọa từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với ngành hàng không còn lớn hơn cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, sự kiện khiến ngành hàng không Mỹ dừng hoàn toàn.

Chính phủ Italy cho biết sẽ tiếp quản Alitalia, hãng hàng không đã phải đàm phán phá sản kể từ năm 2017. Thứ trưởng Kinh tế nước này, Laura Castelli, cho biết, quyết định tiếp quản xuất phát từ những khó khăn của người dân khi về nước trong thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, Thụy Điển và Đan Mạch ngày 17/3 đã thông báo cấp 275 triệu euro (300 USD triệu USD) bảo lãnh khoản vay cho hãng hàng không SAS, trở thành những nước sớm thực hiện việc hỗ trợ ngành này.

Tại Mỹ, các hãng hàng không đã đề nghị chính phủ cấp 50 tỷ USD bảo lãnh và khoản vay, cùng với hàng chục tỷ USD tiền giảm thuế, khi Nhà Trắng chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế.

Trong một thông báo, hãng chế tạo máy bay Boeing cho rằng triển vọng dài hạn của ngành hàng không vẫn tích cực, nhưng cho đến khi hoạt động vận tải hành khách trên toàn cầu trở lại bình thường, các biện pháp này là cần thiết để hạn chế sức ép lên ngành hàng không cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Australia ngày 18/3 đã tham gia vào danh sách ngày càng dài các nước hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không, khi các hãng hàng không toàn cầu thông báo tiếp tục cắt giảm công suất, do nhu cầu sụt giảm mạnh và các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ngành hàng không Australia sẽ nhận một gói cứu trợ của chính phủ trị giá 715 triệu AUD (tương đương 490,5 triệu USD), nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Gói cứu trợ bao gồm một loạt biện pháp miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không trong và ngoài nước.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho rằng tổng mức hỗ trợ cần thiết từ các chính phủ trên toàn cầu cho các hãng hàng không có thể đến 200 tỷ USD.

Các quan chức ngành hàng không cho rằng hầu hết các hãng sẽ sử dụng hết lượng tiền mặt dự trữ trong ba tháng hoặc sớm hơn. Hãng tư vấn ngành hàng không CAPA cảnh báo, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản vào cuối tháng Năm. 

Các hãng cảnh bảo vận tải hàng không có thể bị tác động do việc dừng 185.000 chuyến bay trên khắp thế giới. Ngày 17/3, có thêm các hãng cắt giảm chuyến bay khi hàng triệu hành khách hủy chuyến để tự cách ly và các nước cấm nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo nhà phân tích của Cowen, Helane Becker, ngành hàng không đang bên bờ vực sụp đổ khi các chính phủ cách ly đại bộ phận dân số và đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/3 cho biết việc hạn chế đi lại trong nước đang được cân nhắc, điều nếu được thực hiện sẽ gây thêm sức ép lên các hãng hàng không nước này./.

     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục