Hiệu quả từ một mô hình hỗ trợ nhà ở cho người trẻ tuổi tại Mỹ

06:03' - 22/08/2021
BNEWS Các chương trình nhà ở chuyển tiếp được xem là có vai trò quan trọng khi đáp ứng nhu cầu cấp thiết của 4,2 triệu người trẻ tuổi vô gia cư và không có người thân đi kèm tại Mỹ.

Dash bỏ nhà ra đi ở độ tuổi thiếu niên sau một thời gian dài bất đồng với cha mẹ khi cô thừa nhận mình là người đồng tính.

Cuối cùng, Dash đã tìm được nơi dừng chân ở hệ thống tạm trú tại thành phố Anchorage, bang Alaska.

Cô chia sẻ chỗ ở này khá an toàn và tiện lợi, nhưng cũng phức tạp và khó có thể tập trung học hành khi một sinh viên năm nhất cao đẳng như cô sống chung với 2 người bạn khác.

Do nhiều người ra vào liên tục, nên mọi đồ đạc có giá trị đều được cất kỹ trong tủ có khóa. Vì thế, sau vài tháng, Dash đã đăng ký một chương trình mà cô cảm thấy phù hợp với nhu cầu của mình.

Chương trình chỗ ở “chuyển tiếp” có thời hạn giúp cô có không gian sống riêng tư cũng như chuẩn bị cho cuộc sống ổn định và nhà ở lâu dài hơn.

Nhờ đó, Dash có thể tập trung học tập trong một căn phòng yên tĩnh và có ít đồ đạc hơn.

Các chương trình nhà ở chuyển tiếp được xem là có vai trò quan trọng khi đáp ứng nhu cầu cấp thiết của 4,2 triệu người trẻ tuổi vô gia cư và không có người thân đi kèm tại Mỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ SchoolHouse Connection, bà Barbara Duffield cho biết Bộ Phát triển đô thị và nhà ở (HUD) Mỹ đã bắt đầu bỏ những chương trình hữu ích như vậy từ năm 2012.

Bộ này chuyển trọng tâm sang dự án nhà ở ngắn hạn và dài hạn hơn, “bỏ rơi” nhiều thanh thiếu niên vô gia cư vốn cần hỗ trợ nhiều hơn mức có thể thông qua các chương trình hỗ trợ khẩn cấp.

Bà Duffield cho rằng khẩu hiệu “nhà ở chấm dứt tình trạng vô gia cư” không thực sự phản ánh đúng bản chất nếu người trẻ tuổi không có nhà ở lâu dài và độc lập về kinh tế.

Đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu nhà ở cho giới trẻ tăng gấp đôi khi nhiều người rời khỏi gia đình do thất nghiệp và nhiều yếu tố kinh tế khác.

Trước đó, HUD dẫn một nghiên cứu cho thấy chương trình nhà ở chuyển tiếp khá tốn kém mà chỉ đem lại kết quả tương tự hoặc không bằng các chương trình nhà ở khác cũng dành cho nhóm thanh thiếu niên vô gia cư.

Trong khi đó, bà Duffield cũng như nhiều nhà hoạt động khác hy vọng có thể thay đổi chính sách liên bang về vấn đề này dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong đó có thể hy vọng vào dự luật cho phép chính quyền địa phương linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ những thanh thiếu niên vô gia cư.

Bà Tammy Baldwin, Thượng nghị sỹ Dân chủ cũng là nhà đồng bảo trợ Luật về Thanh thiếu niên và Trẻ em vô gia cư, nhấn mạnh: “Tình trạng vô gia cư gây hậu quả suốt đời cho một đứa trẻ”.

Theo đó, bà cho rằng những chương trình cải cách cơ bản như cung cấp thêm nhiều nhà ở chuyển tiếp sẽ giúp những người nhóm trẻ dễ bị tổn thương có được mái nhà an toàn và ổn định.

Quan điểm này được chứng minh qua một nghiên cứu được tiến hành đối với tất cả những người từng đăng ký chương trình chỗ ở chuyển tiếp do tổ chức Covenant House International quản lý tại 15 thành phố trong hơn một năm qua. Nghiên cứu được công bố vào tháng 6 vừa qua cho thấy kết quả đáng khích lệ.

Theo chuyên gia David B. Howard, gần 75% số thanh thiếu niên đăng ký chương trình đã chuyển đến nhà ở ổn định và 69% đã tìm được việc làm hoặc đi học.

Ông Howard cho rằng kết quả nghiên cứu cho thấy chương trình trên có thể là “một đường băng” quan trọng giúp giới trẻ “cất cánh” và độc lập trong cuộc sống.

Trở lại với Dash, cô đã quay về Covenant House 5 năm sau khi tham gia chương trình nhà ở chuyển tiếp và hiện đang hỗ trợ các thanh thiếu niên tìm nơi ở ổn định và an toàn.

Quãng thời gian cô tham gia chương trình có ý nghĩa quan trọng giúp cô học cách tự lập trong cuộc sống như lập ngân sách chi tiêu, mua xe và cuối cùng chuyển đến sống ở một căn hộ riêng.

Cô nói rằng: “Tôi biết nhiều người trẻ tuổi khác từng tham gia chương trình và đang trở thành những phiên bản tốt hơn của chính họ. Hoàn cảnh trước đây không xác định chúng ta là ai”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục