Hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài

15:54' - 05/03/2018
BNEWS Việc hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế mỗi đất nước.

Ngày 5/3, tại hội thảo về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh các chuyên gia cho rằng, ngay cả các nền kinh tế trên thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam mà sự đóng góp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề vô cùng quan trọng không chỉ đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn đối với nền kinh tế mỗi đất nước.
*Nâng cao nhận thức doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong giai đoạn hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam thành lập đã đạt con số lớn nhất từ trước đến nay, cụ thể lũy kế 2 tháng đầu năm 2018, cả nước có 18.703 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 197.333 tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có 300 doanh nghiệp mới ra đời.
Do đó, việc đồng hành cùng doanh nghiệp, cung cấp thông tin, hành trang cho doanh nghiệp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước có vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ, internet… kéo theo sự xuất hiện những tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi dẫn đến tình trạng những doanh nghiệp có nhãn hiệu nổi tiếng và thành công thì càng dễ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Peter Willimott, chuyên gia dự án cao cấp Văn phòng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sở hữu trí tuệ có thể trở thành tài sản có giá trị về tài chính và mang lại nguồn thu mới, được sử dụng như là cơ sở đảm bảo tài chính; ngăn chặn những người làm hàng giả và hàng nhái…

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ để vận dụng hiệu quả, nhất là hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tạo thành từ các luật sở hữu trí tuệ quốc gia và quy trình thủ tục, trên cơ sở đăng ký bảo hộ để đạt được sự bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu quốc tế, kiểu dáng công nghiệp…
Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, ngoài phát triển nhiều hoạt động xúc tiến về thương mại, công nghiệp, đầu tư… trong những năm gần đây, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì xúc tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ đã và đang được VCCI chú trọng.

Bởi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… là yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp, nên việc cập nhật thông tin, kiến thức sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động bảo vệ những tài sản vô hình, hữu hình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các thị trường xuất khẩu.
Tính đến hết ngày 30/11/2017, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tiếp nhận 93.614 đơn các loại, trong đó có 53.894 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016); thực hiện xử lý được 75.683 đơn các loại; trong đó, có 36.901 xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 4,8% so với năm 2016) và cấp 25.744 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) nhận định, mặc dù số lượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn khiêm tốn, nhưng đây tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng được cải thiện và nâng lên đáng kể. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu biết và ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ tại thị trường nội địa mà còn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực.
“Qua những vụ việc tranh chấp và mất quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… cho thấy việc đấu tranh giành lại quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài rất khó khăn, nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu, sản phẩm, nhãn hiệu của doanh nghiệp hơn”, ông Theo ông Đinh Hữu Trí, cho biết thêm.
*Ứng dụng hệ thống quốc tế
Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA), trong quá trình hội nhập quốc tế, tài sản sở hữu trí tuệ có vai trò rất lớn, do đó doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, tùy theo tiềm lực và chiến lược phát triển của mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần đánh giá đúng và đủ thông tin, quy định pháp luật, dịch vụ… liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… để tư bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình của doanh nghiệp.
Hàng năm, WIPO đều phát hành mới những ấn bản, nghiên cứu được phối hợp với các trường đại học, chuyên gia về các chỉ số, đơn đăng ký về sáng chế cũng như chi tiêu đầu tư cho giáo dục liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Denis Croze, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore, cho biết các kết quả khảo sát và nghiên cứu mới nhất trong năm nay của WIPO cho thấy trong những năm gần đây, các quốc gia châu Á; trong đó, có Việt Nam đã và đang nỗ lực đầu tư cải tiến hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu đổi mới sáng tạo để cải thiện năng suất lao động, tăng năng lực xuất khẩu… góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc toàn cầu hoá tại các thị trường quốc tế, cùng với những hiệp định thương mại tự do (FTA), đòi hỏi các đơn vị sản xuất kinh doanh dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp… cũng là yếu tố sống còn.
Hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện phổ biến thông qua nhiều hình thức như bảo hộ quốc gia, khu vực hay các hệ thống quốc tế mang tính toàn cầu. Tùy vào hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như thị trường, doanh nghiệp có thể đăng ký và chọn lựa hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp để có thể bảo vệ thương hiệu, logo và tên sản phẩm.
Đơn cử, hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế - Madrid, cho phép tiếp cận nộp đơn và quy trình thủ tục ở 115 quốc gia và 99 thành viên, các thị trường đại diện cho hơn 80% thương mại thế giới. Hay hệ thống kiểu dáng công nghiệp quốc tế - Hague, cung cấp giải pháp kinh doanh thực tiễn cho việc đăng ký lên đến 100 kiểu dáng trên 66 vùng lãnh thổ thông qua việc nộp chỉ một đơn quốc tế.
Ông Seth Hay, Trưởng đại diện Văn phòng Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) cho rằng, nếu tận dụng các hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quốc tế hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ được đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nhiều thị trường.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng hạn chế được các rủi ro về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục