Hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn không lãi suất để tái đàn lợn

16:39' - 09/06/2020
BNEWS UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi, khôi phục đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Tổng nguồn vốn cho người chăn nuôi lợn vay ưu đãi (không lãi suất) là 150 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Định ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 75 tỷ đồng; số vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cân đối nguồn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định là 75 tỷ đồng.

Đối tượng cho vay bao gồm hộ gia đình, người lao động (người trực tiếp chăn nuôi lợn), cơ sở chăn nuôi lợn, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh chuồng trại theo quy định và tự nguyện cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh.

Mục đích sử dụng vốn vay để mua con giống, thức ăn, thuốc và mở rộng chuồng trại để phục vụ cho chăn nuôi lợn. Mức cho vay tối đa 5 triệu/con lợn, cho vay tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ gia đình, người lao động, cơ sở chăn nuôi lợn. Thời hạn cho vay tối đa 12 tháng.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất vay và các khoản chi phí phát sinh cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trên cơ sở dư nợ cho vay. Chính sách này nhằm hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, ổn định phát triển, khôi phục đàn, bù vào thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi, giúp bình ổn giá thịt lợn.

Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tả lợn châu Phi nhằm kịp thời phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi mới phát sinh, không để dịch lây lan diện rộng; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trong nước, nhất là tại các tỉnh trong vùng kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo.

UBND tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập lợn giống về nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, điểm trung chuyển lợn.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất toàn bộ khu vực chăn nuôi, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi.

UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh khi mới phát sinh, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các lò mổ, chợ buôn bán thịt lợn để kiểm soát nguồn thịt (có lăn dấu) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt có giải pháp quản lý nguồn lợn nhập về nuôi...

Hiện nay, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang tái đàn trở lại, nhưng nguồn lợn giống đang trở nên khan hiếm và giá tăng cao. Tại các địa phương trong tỉnh, giá lợn con hiện rất cao, dao động khoảng 2,5-3 triệu đồng/con có trọng lượng từ 10-12kg. Theo các hộ cung cấp lợn giống, khoảng từ 3 đến 4 tháng nữa, tình trạng khan hiếm con giống mới giảm dần.

Trước đó, ngày 20/3/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre có báo cáo số 400/BC-CCCNTY về việc kết thúc dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, tại Bến Tre, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được xác định vào ngày 02/07/2019 tại một hộ chăn nuôi thuộc ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Sau đó, bệnh đã phát sinh và lây lan rộng ra 250 ấp, khu phố thuộc 84 xã, phường, thị trấn của 09 huyện, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy bắt buộc là 42.627 con/1.181 hộ chăn nuôi.

Ổ dịch cuối cùng trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy bắt buộc vào ngày 26/12/2019 tại xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, sau đó không còn phát sinh ổ dịch mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục