Hóa đơn điện tử, xu thế tất yếu của hệ thống thương mại điện tử

19:48' - 10/05/2018
BNEWS Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xây dựng Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, hiện mới chỉ có trên 9.000 doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử (không có mã xác thực) với hơn 600 triệu hóa đơn đã được phát hành và sử dụng trong năm 2017.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật Đỗ Nguyễn và Liên Danh về những khó khăn thuận lợi khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Luật sư Đỗ Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật Đỗ Nguyễn và Liên Danh. Ảnh: Phạm Giáp/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử trong điều kiện của Việt Nam hiện nay?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Một trong những thuận lợi trong việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay là cơ sở hạ tầng để áp dụng đã tương đối hoàn thiện, đó là nền tảng internet, chữ ký số…Tuy nhiên, thực tế việc triển khai hóa đơn điện tử vẫn có những khó khăn nhất định. Đó là, chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, nên doanh nghiệp vẫn còn ngại khi áp dụng.

Bên cạnh đó, hóa đơn trong nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn là chứng từ giấy, hóa đơn điện tử chưa được nhiều người biết đến và sử dụng. Vì vậy, khi mới áp dụng, các doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hóa đơn điện tử và tính pháp lý của hóa đơn này.

Khi sử dụng hóa đơn điện tử sẽ dẫn đến nhiều vấn đề mà doanh nghiệp chưa biết cách xử lý, đặc biệt, đối với ngành nghề chuyên về vận chuyển. Khi vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn để trình cơ quan chức năng kiểm tra trên đường. Như vậy, khi dùng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp không biết lấy hóa đơn nào để xuất trình. Đó là chưa kể các chi phí xác nhận, photo các hóa đơn chứng từ khi đối tác yêu cầu hóa đơn giấy rất mất thời gian.

BNEWS: Có ý kiến cho rằng, hiện nay, vấn nạn hóa đơn giả còn tồn tại. Thậm chí có tình trạng hóa đơn là thật nhưng hàng hóa mua ngoài, nhập lậu, sau đó mua hóa đơn của doanh nghiệp cung cấp. Họ vẫn kê khai thuế bình thường rồi chuyển tiền vào doanh nghiệp ảo, rút tiền khỏi tài khoản mà vẫn được khấu trừ thuế. Hóa đơn điện tử nếu thực hiện được phải thống nhất khâu làm hóa đơn với khâu quản lý luồng hàng ra/vào. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Việc thống nhất khâu làm hóa đơn điện tử với khâu quản lý luồng hàng ra, vào thực sự không dễ dàng. Điều này đòi hòi sự đồng bộ trong hệ thống quản lý hóa đơn điện tử với hệ thống quản lý nguồn hàng ra vào trong doanh nghiệp. Việc quản lý nguồn hàng ra vào trong doanh nghiệp chủ yếu thông qua các chứng từ kèm theo như hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu…

Do đó, tôi cho rằng, nếu để có thể giải quyết theo đề xuất trên sẽ mất khá nhiều thời gian để xây dựng một hệ thống quản lý điện tử đồng bộ và sẽ khá khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện.

BNEWS:Trong điều kiện hơn 90% doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Một bộ phận doanh nghiệp không hoan nghênh quy định về hóa đơn điện tử không phải do họ không minh bạch mà do không muốn tốn chi phí đầu tư hạ tầng, nhân sự cho việc áp dụng hóa đơn điện tử. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Thực tế có thể thấy điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử hết sức đơn giản và phù hợp với phát triển cơ sở hạ tầng thông tin như hiện nay, gồm có chữ ký số và có hệ thống công nghệ thông tin cũng như có thể truy cập internet. Những hạ tầng này thì hiện nay khá phổ biến và rất dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp và có thể cân nhắc đưa ra những chính sách hỗ trợ cần thiết ban đầu cho doanh nghiệp để việc sử dụng hóa đơn điện tử này được dễ dàng và thuận tiện hơn.

Đặc biệt, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hoặc đối với vùng sâu, vùng xa khi mà việc tiếp cận internet còn khó khăn có thể cân nhắc một lộ trình dài hơi hơn cho việc áp dụng hóa đơn điện tử cho những đối tượng này.

BNEWS:Nếu đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng cho toàn bộ nền kinh tế, ông có lưu ý gì?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Việc thực hiện đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng cho toàn bộ nền kinh tế, theo quan điểm của tôi là một việc tích cực và là xu thế tất yếu của một hệ thống thương mại điện tử hiện đại và minh bạch. Tuy nhiên, cần thực sự lưu ý các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn thông tin trong việc áp dụng hóa đơn điện tử.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nên lắng nghe những khúc mắc của người dân và doanh nghiệp trong việc áp dụng hóa đơn điện tử để có thể điều chỉnh một cách hợp lý và kịp thời nhất. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ cũng nên tạo điều kiện hỗ trợ tối đa trong việc lắp đặt cơ sở hạ tầng sử dụng hóa đơn điện tử.

BNEWS: Nhiều doanh nghiệp và người dân còn băn khoăn về chữ ký và con dấu khi áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch kinh tế. Ông có thể cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Theo quy định tại Điểm b Điều 5.2 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định: “Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn tại Thông tư này".

Như vậy, nếu doanh nghiệp bán hàng đủ điều kiện tự in hóa đơn và thông báo phát hành hóa đơn không cần chữ ký thì hóa đơn điện tử không cần phải đóng dấu của người bán và chữ ký của người mua. Nếu doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn mà có chữ ký thì hóa đơn điện tử phải có chữ ký.

Tại điểm e Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính có hướng dẫn về nội dung của hóa đơn điện tử. Theo đó, hóa đơn điện tử phải có các nội dung gồm: chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng, năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.

Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Tại công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử như sau: “Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.”

Như vậy, trong một số trường hợp hóa đơn điện tử sẽ không cần có chữ ký của người mua hàng. Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa đơn vị của mình với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu, hồ sơ chứng từ khác thì đơn vị lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.

BNEWS: Vậy theo ông, việc sử dụng hóa đơn điện tử có giảm được tình trạng gian lận thuế?

Luật sư Đỗ Anh Tú: Theo tôi việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể góp phần làm giảm được việc gian lận thuế, vì khi sử dụng hóa đơn điện tử thì ngay khi xuất hóa đơn cho bên mua thì hóa đơn đã được thể hiện ngay trên hệ thống của cơ quan thuế. Do đó, cơ quan thuế có thể kiểm soát và phát hiện ra những giao dịch phát hành hóa đơn có dấu hiệu gian lận./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục