Hội nghị thượng đỉnh G7: Thông điệp đầy ý nghĩa của thành phố Hiroshima

16:19' - 20/05/2023
BNEWS Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Chính quyền và người dân nơi đây đã nỗ lực rất nhiều cho sự kiện quan trọng này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thị trưởng Hiroshima, ông Kazumi Matsui cho biết thành phố này đang nỗ lực để được nhìn nhận là một thành phố hòa bình và văn hóa quốc tế với 3 trụ cột là “thành phố lan tỏa hòa bình ra thế giới”, “thành phố sôi động và cởi mở với quốc tế” và “thành phố văn hóa đậm tình người”.
 

Ông Kazumi nhấn mạnh thành phố luôn chào đón du khách quốc tế, nhất là các chính trị gia đến thăm để tìm hiểu về thảm họa bom nguyên tử từng xảy ra ở đây vào năm 1945. Ông cho rằng sự kiện Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại chính thành phố này là cơ hội tốt nhất để các chính trị gia đến từ các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân thảo luận, cũng như củng cố quyết tâm kiểm soát và hướng tới loại bỏ hoàn toàn nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khách sạn Grand Prince là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7. Tọa lạc trên một bán đảo nhỏ với dân số khoảng 1.500 người, khách sạn Grand Prince được bao bọc xung quanh bởi khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp kết hợp giữa biển và núi đá tự nhiên, kết nối với đất liền bằng tuyến đường bộ duy nhất.

Đây cũng là khách sạn từng được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7 năm 2016, khi Nhật Bản đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của G7. Những ngày đầu tháng 5, khách sạn này vẫn đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước. Từ ngày 7/5, mọi hoạt động kinh doanh của khách sạn phải tạm dừng để phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh G7. Lực lượng an ninh đã được tăng cường nhiều lớp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hội nghị.

Một trong những vấn đề được chú trọng là đảm bảo giao thông thuận tiện trong thời gian diễn ra hội nghị. Thành phố Hiroshima có mạng lưới giao thông công cộng khá phát triển, đặc biệt là đường sắt.

Công ty xe điện Hiroshima đã khai trương một tuyến tàu điện đặc biệt chào đón sự kiện chính trị quan trọng này với điểm nhấn là các bức tranh trang trí bên ngoài đều do học sinh đến từ 6 trường trung học trong thành phố thiết kế theo chủ đề về hòa bình thế giới và Hội nghị thượng đỉnh G7.

Một điểm đáng chú ý khác là hiện tại Công ty xe điện Hiroshima vẫn đang vận hành 3 tàu điện từng nằm trong số các phương tiện giao thông bị tàn phá bởi thảm họa bom nguyên năm 1945. Các tàu điện này sau khi được sửa chữa lại vào cuối năm 1945, cho đến nay vẫn đang đều đặn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương cũng như du khách.

Ông Sachio Okinaka, chủ quán bánh Okonomiyaki (một món ăn gần tương tự món bánh xèo của Việt Nam) tại thành phố Hiroshima chia sẻ ông đã từng được nghe cha ông kể về thảm họa bom nguyên tử. Cha ông kể rằng sau thảm họa, người dân thành phố Hiroshima đối diện với tình trạng khan hiếm lương thực.

Vì vậy các quán ăn tập thể phục vụ người dân được tập trung ở quảng trường Shintenchi để cứu đói. Ông nội của ông chính là một trong những đầu bếp nấu món Okonomiyaki. Chính vì thế, món ăn Okonomiyaki được xem là biểu tượng của sự tái thiết sau thảm họa vì giúp cho những người dân thành phố Hiroshima vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

Ông Sachio Okinaka là chủ tiệm thế hệ thứ 3 của quán, kể từ khi chính thức khai trương năm 1947. Ông mong muốn những du khách đến với thành phố Hiroshima thưởng thức món Okonomiyaki như một cách để nhìn lại quá khứ và thêm trân trọng hòa bình.

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 5/2022 khi quyết định lựa chọn thành phố Hiroshima là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định thành phố Hiroshima phù hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vì chính tại nơi đã gánh chịu hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân, lãnh đạo các nước G7 sẽ thể hiện quyết tâm hướng tới một thế giới không phổ biến loại vũ khí hủy diệt này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục