“Hòn đảo tự do” đang cởi trói cho khu vực tư nhân

07:36' - 05/05/2016
BNEWS Chính quyền của Chủ tịch Raul Castro xác định rằng con đường phát triển kinh tế theo định hướng chủ nghĩa xã hội sẽ phải thông qua “mở cửa” hợp tác quốc tế và thu hút vốn tư nhân.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba trong cuộc gặp tại New York tháng 9/2015. Ảnh: Reuters

Hơn một năm kể từ sự kiện lịch sử Mỹ và Cuba chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào ngày 17/12/2014, quốc đảo Caribe đã có sự bứt phá mạnh về mặt kinh tế.

Đây được coi là “trái ngọt” cho những nỗ lực không ngừng mà Chính phủ của Chủ tịch Raul Castro đã và đang thực hiện trên bước đường nhằm đưa La Habana hội nhập trở lại với thị trường thế giới sau gần nửa thế kỷ bị các lệnh bao vây cấm vận từ Mỹ phong tỏa.

Thu hút vốn ngoại và tư nhân

Xét về mặt kinh tế thì tài nguyên thiên nhiên của Cuba không phong phú và đất nước này cũng không sở hữu những cơ sở công nghiệp chất lượng cao. Tuy nhiên, hòn đảo với các vùng đất hoang sơ màu mỡ này đang chờ được khai phá sau gần 50 năm bị bao vây cấm vận.

Chính quyền của Chủ tịch Raul Castro xác định rằng con đường phát triển kinh tế theo định hướng chủ nghĩa xã hội sẽ phải thông qua “mở cửa” hợp tác quốc tế và thu hút vốn tư nhân. 

Là một hòn đảo xinh đẹp với những khu rừng nhiệt đới và bãi cát trắng trải dài, Cuba hiểu rõ thế mạnh của mình và khôn ngoan lựa chọn du lịch như một trong những ưu tiên phát triển.

Du lịch Cuba hiện đang là “mốt”. Ảnh: usnews

Bộ Du lịch Cuba dự kiến số lượng phòng khách sạn tại nước này sẽ cần tăng từ 63.000 lên 85.500 phòng trong vòng 5 năm tới, đồng thời xây dựng thêm các khu nghỉ dưỡng và sân golf bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Mới đây, tập đoàn Starwood Hotels & Resort và Airbnb là những doanh nghiệp Mỹ đã tiếp cận ngành nghỉ dưỡng tại Cuba. Trong khi Starwood Hotels & Resort được Tập đoàn quân đội Cuba mời đầu tư ba khách sạn thì Airbnb đã cung cấp 4.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn tại Cuba trong một năm qua, phục vụ 13.000 khách tham quan.

Trong lĩnh vực vận tải, công ty tàu biển Carnival Mỹ cũng đang “rậm rịch” tiến vào nước này và sẽ bắt đầu bán vé tàu dừng đỗ tại cảng Cuba vào tháng Năm tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Cuba cũng chú trọng phát triển nông nghiệp, một trong những trụ cột kinh tế của nước này. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 2011 với 17 chủ trương trực tiếp liên quan tới các hợp tác xã hướng tới mục tiêu thúc đẩy và nâng cao sản lượng nông nghiệp cả nước, việc áp dụng thành công mô hình hợp tác xã tiếp tục đi đầu trong công tác phát triển nền nông nghiệp đa dạng của Cuba.

Ông Carlos Espinosa Piedra, Tỉnh ủy viên phụ trách nông nghiệp tỉnh Artemisa - một trong những tỉnh đi đầu về phát triển nông nghiệp - cho biết cả ba loại hình hợp tác xã bao gồm hợp tác xã tín dụng và dịch vụ, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Đơn vị sản xuất hợp tác cơ bản đều nhằm mục đích tận dụng đất nhàn rỗi, đa dạng hóa sản xuất để đảm bảo nhu cầu tự cung tự cấp đa số các loại thực phẩm cần thiết.

Cuba đang cởi trói cho khu vực tư nhân. Ảnh: Reuters

Chính phủ của Chủ tịch Castro cũng chú trọng phát triển khu vực tư nhân. Trong bài diễn văn then chốt tại Đại hội Đảng lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba (PCC) khai mạc hôm 16/4 vừa qua, Chủ tịch Castro cho biết Cuba ngày nay đã có một khu vực tư nhân phát triển và đã trở thành nguồn cung cấp việc làm quan trọng, sử dụng khoảng nửa triệu công nhân.

Theo nhật báo Granma của Cuba, nước này sẽ mở cửa thị trường bán buôn quốc doanh cho một số doanh nghiệp tư nhân trong khuôn khổ những cải cách kinh tế mà La Habana đang tiến hành, đồng thời làm giảm áp lực về giá trong lĩnh vực trên.

Theo đó, các doanh nghiệp thực phẩm và dịch vụ cá nhân tham gia hợp tác xã hoặc thuê không gian của chính phủ sẽ có thể mua hàng hóa với mức giá thấp hơn 20% so với giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, quy định dự kiến có hiệu lực từ ngày 2/5 cũng cho phép các doanh nghiệp tư nhân mua hàng hóa của các công ty nhập khẩu nhà nước, từ đó tiến gần hơn đến thị trường hàng hóa rộng lớn của khu vực và thế giới.  

Kết quả là kinh tế Cuba đã tăng trưởng 4% trong năm 2015, trong đó lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng 61,1% nền kinh tế, cao hơn so với tỷ lệ 59,3% của năm 2014, nhờ vào chính sách thanh toán và tín dụng nội địa linh hoạt hơn cùng việc nhiều mặt hàng nhập khẩu giảm giá.

Trong đó, ngành nông nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,1% dù vẫn thấp hơn 2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra, chủ yếu do kết quả không được như dự tính trong các lĩnh vực rau quả, xì gà, sữa và gạo. Ngành công nghiệp mía đường tăng trưởng 16,9%.

Gian nan đường ra biển lớn 

Mặc dù có sự khởi sắc song có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Cuba vẫn chưa thể thật sự “cất cánh” trong tương lai gần, do nội bộ nước này vẫn tồn tại nhiều khó khăn mang tính cố hữu. Chính phủ Cuba cần đầu tư nguồn vốn nhiều hơn vào ngành nông nghiệp, nhưng các thay đổi về kết cấu đầu tư và nông nghiệp đều không thể hoàn thành trong chốc lát.

Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Rodrigo Malmierca Diaz cho biết để duy trì tăng trưởng kinh tế 5%/năm, Cuba cần phải có ít nhất 2 tỷ USD/năm vốn đầu tư nước ngoài và để làm được điều đó, La Habana cần phải phát triển hơn nữa khu vực tư nhân.  

Trong khi đó, do tình trạng tài chính eo hẹp và mất đi sự bảo trợ từ Venezuela, Nhà nước Cuba cần phải thực hiện cắt giảm mạnh hơn nữa chi trả lương chính phủ. Hiện nay, lĩnh vực tư nhân mới chỉ được phép hoạt động trong một danh sách hạn hẹp các hạng mục được chính phủ chấp thuận, bao gồm các cửa tiệm làm tóc, nhà hàng và hướng dẫn du lịch.

Do đó, Chính phủ Cuba cần mở rộng khu vực tư nhân, tuyển dụng thêm nhiều người và phát triển nền kinh tế, đồng thời nới rộng danh sách các lĩnh vực được phép này.

Cuba cần mở rộng khu vực tư nhân hơn nữa. Ảnh: Reuters

Điều này không phải chuyện "một sớm một chiều", đặc biệt là khi Chủ tịch Raul Castro đã thẳng thắn tuyên bố trong buổi khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Cuba lần thứ 7 rằng La Habana sẽ không thể áp dụng “liệu pháp sốc” trong tiến trình chuyển đổi kinh tế, nhấn mạnh “các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trong khuôn khổ đã được Nhà nước hoạch định” và chỉ đóng vai trò bổ sung cho các sinh hoạt kinh tế chung của toàn quốc. 

Đối với phía Mỹ, Tổng thống Obama cần dỡ bỏ các hạn chế còn tồn tại đối với các ngân hàng đang hoạt động ở Cuba. Đầu tư nước ngoài và công việc kinh doanh của các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ có tính chất thiết yếu để tạo thêm công ăn việc làm và bơm vốn vào nền kinh tế Cuba. Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung vẫn bị ngăn cấm làm ăn với Cuba – và sẽ vẫn bị hạn chế khắt khe chừng nào lệnh cấm vận vẫn còn tồn tại.

Dĩ nhiên, nhiều thay đổi cần thiết phải đến từ những hành động của Chính phủ Cuba, chứ không phải là từ Mỹ. Vốn nước ngoài sẽ không đến Cuba cho đến khi nước này giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng tài chính hợp lý, kiểm toán minh bạch và những sự đảm bảo về mặt pháp lý. Nhưng quan trọng hơn cả là việc đất nước, trong khi có quá ít ngân hàng phục vụ người dân của thì có đến hai loại tiền tệ.

Trong lúc hầu hết người dân Cuba được trả tiền bằng đồng peso (CUP) và có thể mua các loại hàng hóa cơ bản bằng đồng tiền này, các mặt hàng xa xỉ hầu hết được định giá bằng đồng peso chuyển đổi (CUC) - một đồng tiền có giá trị hơn nhiều được cố định tỷ giá theo đồng USD. Sự sắp xếp hai loại tiền tệ này dẫn đến tình trạng méo mó nghiêm trọng về việc định giá tiền tệ và những sự thiếu hiệu quả về kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục