Họp báo Chính phủ thường kỳ: Cơ hội để Việt Nam đón làn sóng đầu tư

20:53' - 05/05/2020
BNEWS Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, xu hướng hiện nay là các tập đoàn xuyên quốc gia xem xét dịch chuyển nên Việt Nam cần chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư này.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nới lỏng dần và đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép, đẩy nhanh thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, xu hướng hiện nay là các tập đoàn xuyên quốc gia xem xét dịch chuyển, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt cho Việt Nam. Với lòng tin và sự tín nhiệm cao nên chúng ta cần chuẩn bị đón làn sóng đầu tư.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những điểm đến tin cậy, điểm sáng, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả và thành công.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam, nhất là trong tháng 4/2020 khi Chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh về giãn cách xã hội.

Dù vậy, kinh tế - xã hội có một số điểm đáng chú ý: CPI tháng 4 giảm, nhưng CPI 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân là do giá thịt lợn tăng, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Sản xuất lâm, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là tái đàn lợn còn chậm, giá lợn giống và giá thịt lợn rất cao so với giá lợn hơi bởi cung và tái đàn thiếu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, các nước đánh giá cao Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh bởi Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm cao, qua đó giúp tăng uy tín, lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trên cả nước để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, đưa giải pháp tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế.

Thông tin về phiên họp Chính phủ ngày 5/5,  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng, chống dịch; đồng thời, quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần "khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba"; phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, bước đầu  kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống người dân và nâng cao mức độ tăng trưởng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phấn đấu đạt cao hơn mức dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 (cao nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 2,7%).

Thủ tướng cũng lưu ý các ngành, địa phương sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, bảo vệ quyền lợi người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19....

Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực; trong đó, Việt Nam là điểm đến thuận lợi.

Thời gian tới, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19…

Đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị những chính sách pháp luật nhằm sớm tái khởi động, khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ đời sống người dân trong thời gian dịch bệnh và sau khi kết thúc dịch bệnh; quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính; cắt, giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục