Họp báo Chính phủ: Vẫn "nóng" chuyện BOT Cai Lậy và chuyện quản lý của “Siêu ủy ban”

20:43' - 01/10/2018
BNEWS Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, nhiều câu hỏi của báo chí được đặt ra với đại diện các bộ, ngành liên quan tới vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời các nhà báo. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Chiều 1/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, nhiều câu hỏi của báo chí được đặt ra với đại diện các bộ, ngành liên quan tới vấn đề nóng được dư luận quan tâm như: xử lý vụ việc Công ty Con Cưng; đặt thêm trạm thu phí BOT vào tuyến tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang); hay như chức năng hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra sao và liệu có ảnh hưởng gì tới hoạt động của doanh nghiệp…
Liên quan tới vấn đề đặt thêm trạm thu phí ở BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện Bộ vẫn đang thực hiện theo kết luận cuộc họp thường trực của Thủ tướng; trên cơ sở đánh giá các phương án từ các bộ, ngành, địa phương để có phương án phù hợp nhất.
Từ tháng 4 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành, đặc biệt là với Thường vụ tỉnh Tiền Giang để có những so sánh đánh giá khách quan đối với tác động của việc thu phí của tuyến tránh BOT Cai Lậy.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện Nhà nước không có tiền mua lại trạm, trong khi nhà đầu tư đã đầu tư và phải thu phí hoàn vốn. Bộ có 2 phương án, một là giữ nguyên trạm hiện hữu và giảm giá thu; hai là đặt 2 trạm ở hai tuyến đường Quốc lộ 1 cũ và tuyến tránh. Để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư thì cần thực hiện theo phương án 2 và đoạn nào thu đủ vốn thì sẽ dỡ bỏ trạm thu phí ở đoạn đó.
Liên quan tới việc ùn tắc gây mất trật tự an ninh tại khu vực trạm, theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ thì các ngành chức năng và địa phương phải đảm bảo tốt an ninh ở các trạm nói chung và làm tốt tuyên truyền tới người dân.
Về câu hỏi chức năng kiểm soát vốn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra sao và liệu có ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh khẳng định, chủ trương của Chính phủ là không để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, đã có hành lang pháp lý cho hoạt động của Ủy ban này, vấn đề lớn nhất sẽ quản lý vốn nhà nước như thế nào tại các cơ quan nhà nước.
“Ủy ban chỉ tập trung vào giám sát vốn đó có nguy có thất thoát hay không, chứ không phải là người can thiệp vào kinh doanh trực tiếp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, thứ nhất phải xây dựng được một cơ quan chuyên nghiệp thực hiện việc giám sát là chủ yếu, thực hiện được chức năng giám sát một cách thường xuyên, chuyên trách hơn để chống thất thoát lãnh phí.
Thứ hai là nâng cao chất lượng giải trình gắn trách nhiệm với các cá nhân cụ thể thì mới có cơ chế cách thức để đảm bảo không thất thoát.
Thứ ba, hiện nay thông tin hoạt động kinh doanh còn thiếu, điều này cần phải được tường minh, Ủy ban đã có lộ trình việc ứng dụng mô hình dữ liệu để quản lý giám sát mà không cản trở hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp.
Trước câu hỏi về việc khi nào việc kiểm tra, xử lý việc liên quan tới Công ty Con Cưng sẽ được công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đã có những kiểm tra bước đầu và đã thành lập tổ công tác kiểm tra hệ thống siêu thị của doanh nghiệp.
Theo ông Hải, qua xác định cho thấy các thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hoá của công ty cơ bản đáp ứng quy định hiện hành nhưng cũng phát hiện một số vi phạm. Ví dụ như công ty vi phạm nhãn hàng hoá, khuyến mại, thương mại điện tử...và cơ quan chức năng cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 250 triệu đồng.
Sau đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục và các Chi cục Quản lý thị trường, báo cáo kiểm tra những vi phạm đó, doanh nghiệp cũng phải báo cáo việc khắc phục những sai phạm trên.
Cấp có thẩm quyền cũng thành lập tổ rà soát hoạt động của thành viên đoàn đi kiểm tra và được yêu cầu đến 30/8 là phải hoàn thành. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là việc phải xem xét thận trọng, đúng quy định nên đến nay việc kết luận mới đến bước gần kết thúc và trong thời gian ngắn sẽ thông báo rộng rãi.
Về vấn đề quản lý cho vay online, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng đây cũng là hình thức “tín dụng đen”. Trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay; trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo Thông tư 39, và có ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty này sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo và kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan./.
Phương án nào sẽ được lựa chọn cho BOT Cai Lậy?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục