Huawei có bị loại khỏi mạng 5G của Đức?

06:00' - 10/10/2020
BNEWS Động thái của Chính phủ Đức sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng quốc tế của tập đoàn Trung Quốc.
Biểu tượng Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cho đến nay, Đức vẫn chưa công bố chính thức quyết định của nước này liên quan đến việc thiết lập mạng 5G. Quyết định của Berlin đang đặc biệt được Trung Quốc chờ đợi vì Đức từng là thị trường nước ngoài chủ chốt của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.

Theo báo Anh Financial Times cuối tháng 9/2020, trong những tuần lễ sắp tới Chính phủ Đức sẽ thông qua một đạo luật về an ninh mạng, quy định một loạt rào cản khó thể vượt qua đối với Huawei.

Theo các nghị sĩ Đức thạo tin, dự luật về an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà Nội các của Thủ tướng Angela Merkel dự định sẽ không hoàn toàn "cấm cửa" Huawei, nhưng sẽ tạo ra những trở ngại hành chính không thể vượt qua đối với tập đoàn viễn thông này của Trung Quốc.

Động thái này của Chính phủ Đức sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng quốc tế của tập đoàn Trung Quốc.

Giống như Vương quốc Anh, Đức là một trong những thị trường quan trọng của Huawei để mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, và các hợp đồng với các đại công ty Đức như Vodafone và Deutsche Telekom đã giúp Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

*Quy định chặt chẽ về "độ tin cậy" của nhà cung cấp

Dự luật mới về công nghệ thông tin của Đức dự tính một quy trình phê duyệt hai giai đoạn đối với thiết bị viễn thông, bao gồm việc kiểm tra kỹ thuật các thành phần riêng lẻ kết hợp với đánh giá chính trị về "độ tin cậy" của nhà sản xuất.

Ông Nils Schmid, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), một đối tác trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel, cho biết: "Nghị viện Đức đòi hỏi các phương tiện pháp lý để có thể loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy như Huawei khỏi quá trình xây dựng hệ thống 5G và luật mới này có thể cho phép điều đó". SPD là đảng đã chủ trương một cách tiếp cận cứng rắn với Huawei.

Dự luật vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn có thể có những thay đổi kỹ thuật, nhưng rõ ràng sẽ khiến Huawei gần như không thể tham gia chương trình 5G của Đức. 

Một nghị sĩ đã tham gia các cuộc thảo luận về dự luật mới, không ngần ngại nêu câu hỏi "Làm thế nào Huawei, một công ty có liên hệ khả nghi với nhà nước Trung Quốc, có thể vượt qua bài kiểm tra về độ tin cậy chính trị?". Theo nhân vật này, "điều đó là không thể".

* Vai trò quan trọng của tình báo Đức

Dự luật cũng dự kiến một vai trò quan trọng đối với tình báo của Đức, vốn từ lâu đã rất hoài nghi về Huawei. Thorsten Frei, một nghị sĩ thuộc CDU/CSU của bà Angela Merkel, cho biết: "Theo hình thức hiện tại (dự luật) dự kiến rằng khi có nghi ngờ về độ tin cậy của một công ty thì chính phủ có thể điều tra bằng cách sử dụng thông tin do các cơ quan tình báo cung cấp".

Đức tham gia vào nhóm ngày càng đông của các quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với Huawei, mà các nhà quan sát cho rằng có thể bị Bắc Kinh sử dụng để hoạt động gián điệp hoặc phá hoại mạng.

Washington đã nhiều lần viện dẫn luật buộc các công ty và công dân Trung Quốc phải hỗ trợ Nhà nước trong việc thu thập thông tin tình báo. Huawei đã phủ nhận việc họ là công cụ của Chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 7/2020, Chính phủ Vương quốc Anh đã cấm các nhà giao dịch mạng mua thiết bị 5G mới của Huawei từ cuối năm nay, trong khi Pháp đã tạo ra các rào cản pháp lý được thiết kế để "gợi ý" cho các nhà khai thác viễn thông tránh sử dụng thiết bị của Huawei.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đã thúc ép các đồng minh ở châu Âu tẩy chay Huawei. Năm 2019, Mỹ cảnh báo họ sẽ giảm mức độ chia sẻ thông tin tình báo với Đức trừ khi Berlin chặn Huawei. Một quan chức cấp cao của Đức cho biết: "Áp lực của Mỹ thật sự rất thô bạo".

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tranh thủ chuyến ghé Rome để cảnh báo Chính phủ Italy rằng các công ty công nghệ Trung Quốc "có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc" là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Italy và quyền riêng tư của công dân nước này.

 Thủ tướng Đức bị sức ép phải cứng rắn đối với Trung Quốc. Bà Merkel đã chống lại áp lực của Mỹ trong việc áp đặt một lệnh cấm rõ ràng đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Vào đầu năm nay, bà đã khẳng định với nhật báo Anh Financial Times rằng việc "đơn thuần loại trừ ai đó" là sai.

Thay vào đó, bà đã tìm cách thắt chặt các yêu cầu an ninh của đất nước đối với tất cả các nhà cung cấp thiết bị viễn thông và đa dạng hóa các nhà cung cấp.

Nhưng bà đã phải đối mặt với sự phản đối từ trong chính đảng của mình, vốn đã yêu cầu một đường lối cứng rắn hơn đối với Huawei - cũng như đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh trong phe đối lập.

Huawei từ chối bình luận về dự luật mới của Đức, nhấn mạnh rằng dự luật vẫn chưa được hoàn thiện, và nhắc lại rằng họ là một "công ty tư nhân thuần túy", đang hợp tác với các cơ quan an ninh Đức, vì thế "không có lý do chính đáng nào để hạn chế quyền tiếp cận thị trường (Đức) của họ".

Deutsche Telekom và Telefónica, hai trong số các nhà khai thác di động lớn nhất của Đức, từ chối bình luận. Vodafone cho biết họ sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ luôn tuân thủ các quy định".

Cả ba công ty đều đã sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động và mạng cố định của họ và điều đó đã tiếp tục với 5G. Tuy nhiên, ngay cả trước khi dự luật mới được hoàn thiện, các công ty trên đã bắt đầu rời bỏ việc sử dụng thiết bị Huawei trong phần "cốt lõi" của mạng 5G trên đất Đức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục