Hướng dẫn mới nhất về kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên

07:00' - 08/11/2020
BNEWS Theo quy định tại Khoản 10 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Người dân hỏi: Tôi công tác tại đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Đơn vị tôi gửi hồ sơ thanh toán khoản chi đóng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH- BTC ngày 24/10/2014.

Theo đó, đơn vị trực tiếp thanh toán cho đối tượng thụ hưởng cụ thể như sau: Giấy rút dự toán chuyển khoản về tài khoản của đơn vị BHXH huyện, phương thức chi trả thực chi.

Tuy nhiên, kho bạc huyện yêu cầu phải thực hiện tạm ứng. Xin hỏi, kho bạc huyện yêu cầu như vậy có đúng quy định không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN):

"10. Đối với chi trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Thông tư số 101/2018/TT-BTC và Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 10 năm 2014:

a) Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách trực tiếp thanh toán cho đối tượng thụ hưởng

- Hàng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán (tạm ứng) gửi KBNN, KBNN thực hiện tạm ứng trên cơ sở đề nghị của đơn vị.

Sau khi chi trả cho đối tượng thụ hưởng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng để đề nghị thanh toán tạm ứng với KBNN. KBNN căn cứ Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng do đơn vị gửi, thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này và theo đúng định mức quy định tại Thông tư 101/2018/TT-BTC và Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

b) Trường hợp thông qua tổ chức dịch vụ thanh toán.

- Hàng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán (tạm ứng); Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng; Hợp đồng giữa đơn vị sử dụng ngân sách và tổ chức dịch vụ thanh toán gửi KBNN.

- Căn cứ đề nghị của đơn vị, KBNN thực hiện kiểm soát theo quy định tại Khoản 1 Điều này và theo đúng định mức quy định tại Thông tư số 101/2018/TT-BTC, Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH; thực hiện tạm ứng từ Tài khoản dự toán của đơn vị sử dụng ngân sách sang tài khoản của tổ chức dịch vụ chi trả theo đúng quy định tại hợp đồng dịch vụ giữa hai bên.

- Trường hợp Tổ chức dịch vụ chi trả mở tài khoản tiền gửi tại KBNN, khi rút kinh phí từ tài khoản tiền gửi mở tại KBNN để thanh toán cho đối tượng thụ hưởng: KBNN kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của Ủy nhiệm chi, trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi.

- Hàng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quyết toán với Tổ chức dịch vụ chi trả về số tiền đã tạm ứng tại KBNN, đồng thời gửi KBNN Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng, Bảng kê kinh phí đã chi trả cho đối tượng theo Mẫu số 10 Phụ lục II kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP để KBNN kiểm soát, thanh toán tạm ứng theo quy định.

c) Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện chỉ trả kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng theo quy định".

Căn cứ vào quy định nêu trên, KBNN huyện yêu cầu phải thực hiện phương thức chi trả tạm ứng là đúng, sau khi chi trả cho đối tượng thụ hưởng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng để đề nghị thanh toán tạm ứng với KBNN.

Đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Thông tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục