Huy động doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Sĩ đầu tư vào tăng trưởng xanh

12:28' - 04/04/2018
BNEWS Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Đại sứ quán Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng xanh hiệu quả: Triển vọng từ Việt Nam và Thụy Sĩ.
Diễn đàn cấp cao: "Tăng trưởng hiệu quả: Triển vọng từ Việt Nam và Thụy Sĩ". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Diễn đàn là dịp để hai bên Việt Nam và Thụy Sĩ chia sẻ các phương thức, các giải pháp nhằm thúc đẩy Tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới, lồng ghép tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời huy động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án Tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã dành ưu tiên hỗ trợ cho phát triển khu vực tư nhân, đặc biệt thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên; hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hiện thực hóa khái nhiệm sản xuất sạch tại Việt Nam.

Đây là một trong những nội dung rất quan trọng và cần được đẩy mạnh trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Trên cơ sở mối quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, Bộ trưởng tin tưởng việc hợp tác giữa hai quốc gia trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là rất hiệu quả và có nhiều tiềm năng để phát triển.

Bà Doris Leuthard, Bộ trưởng phụ trách Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Truyền thông Thụy Sĩ cho biết, hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng những phương thức huy động nguồn lực, tài chính phục vụ tăng trưởng xanh, sự đóng góp từ phía cộng đồng và doanh nghiệp để giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững đang là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia trong đó có Việt Nam và Thụy Sĩ.

Đến nay, Việt Nam đã có 7 Bộ, 39 tỉnh, thành phố đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ tăng trưởng xanh đã được ban hành.

Chính phủ cũng dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về tăng trưởng xanh cũng đã được nâng lên một bước.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trong của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; trong đó, hai bên xác định sự hợp tác giải đoạn 2017-2020, gắn liền với 3 nội dung chính gồm: Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; Phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Thụy Sĩ đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế theo hướng xanh - sạch, huy động nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như bài học có thể rút ra đối với các nước đang phát triển như Việt Nam...

Việt Nam là quốc gia sớm tham gia các cam kết, công ước quốc tế về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và đã có nhiều nghiên cứu, biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược này.

Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và xây dựng kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh 2016-2020 cũng như giai đoạn tiếp theo để triển khai thực hiện từ cấp Chính phủ đến các bộ và từng địa phương; trong đó, nội dung quan trọng là ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai; xanh hóa sản xuất, xanh háo đời sống và tiêu dùng; giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Thời gian tới, Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng, cần thiết như: rà soát, đánh giá kết quả hợp tác, đề xuất những nội dung tiếp theo,tư vấn và chia sẻ bài học kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ cho sản xuất xanh và bảo vệ môi trường, phát triển đô thị thông minh, nâng cao chất lượng và bảo vệ đời sống người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, nước biển dâng, biến đời khí hậu, ô nhiễm môi trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục