Huy động nguồn lực tổng hợp phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

17:24' - 07/04/2023
BNEWS Đề án nhằm phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ trong chuỗi giá trị lúa gạo gắn với đổi mới tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa trên cơ sở liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã.

Dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đặt ra mục tiêu chung là: hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Một số mục tiêu cụ thể mà dự thảo Đề án đưa ra như: đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000 ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa; đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với sản lượng 13,0 triệu tấn lúa.

Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030 gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

 

 

 

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án này phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước về giữ vững vai trò lúa gạo làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia trong mọi tình huống; bảo vệ và sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án nhằm phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ trong chuỗi giá trị lúa gạo gắn với đổi mới tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa trên cơ sở liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã, các tổ chức nông dân với doanh nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tiến trình hiện đại hóa ngành lúa gạo.

Cùng đó, Đề án giúp hình thành mô hình lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh trên diện rộng có tác dụng lan tỏa đến các vùng sản xuất lúa khác trong cả nước và nâng cao hình ảnh, thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đừng xem Đề án này là của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà là của tất cả mọi người để từ đó, có sự cộng hưởng, thực hiện hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể đi một mình được mà cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, truyền thông, nông dân...

Từ việc tích cực trao đổi, đóng góp thống nhất các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, khi Đề án được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập và vị thế cho người trồng lúa - Bộ trưởng khẳng định.

Mục đích là giúp người dân nhận thấy rõ sự khác biệt của Đề án so với các Đề án, dự án trước đây; để nông dân thấy được lợi ích khi tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và vị thế của người nông dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như trách nhiệm xã hội toàn cầu.

Đặc biệt, huy động nguồn lực tổng hợp của Nhà nước và các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo và phương thức hợp tác công tư, hợp tác quốc tế. Nhà nước có chính sách đặc thù, ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết, chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định lâu dài, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có vùng trồng lúa chuyên canh trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương khác trong cả nước.

Báo cáo năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 1,8 triệu ha, gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất 2 vụ lúa trở lên) hơn 1,5 triệu ha và đất lúa khác (1 lúa, 1 vụ lúa luân canh với rau màu, 1 vụ lúa - thủy sản) hơn 230 ngàn ha.

Ngành chức năng đề xuất, giai đoạn 2021 - 2030, tiềm năng đất chuyên trồng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể đưa vào xem xét, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ổn định trên 1,5 triệu ha, chiếm 51,3% diện tích đất chuyên trồng lúa nước của cả nước và chiếm 91,3% diện tích đất trồng lúa của vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục