IMF: Đà giảm tốc kéo dài của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới toàn cầu

07:28' - 22/04/2022
BNEWS Ngày 21/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, đà giảm tốc kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có hiệu ứng lan toả đáng kể trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Georgieva nói thêm Trung Quốc có khả năng điều chỉnh chính sách để cải thiện tình hình này.

 

Trước đó, ngày 19/4, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% của chính phủ nước này do ảnh hưởng của việc phong tỏa một số thành phố liên quan tới đại dịch COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, bà Georgieva cho biết các hành động của Trung Quốc nhằm chống lại sự suy giảm kinh tế của nước này là rất quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu.

Bà nói: "May mắn thay, Trung Quốc có đủ không gian chính sách để đưa ra sự hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chuyển trọng tâm sang các hộ gia đình dễ bị tổn thương để tăng cường tiêu dùng, điều này cũng có thể giúp hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Trung Quốc bằng cách hướng hoạt động kinh tế đến các ngành có lượng phát thải carbon thấp hơn".

Theo người đứng đầu IMF, những nỗ lực chính sách mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản cũng có thể giúp Trung Quốc đảm bảo sự phục hồi một cách cân bằng.

Cũng tại diễn đàn này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và xu hướng dài hạn của nó không thay đổi. Giữa bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng, các công ty môi giới nước ngoài cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, sau khi dữ liệu kinh tế nước này suy yếu trong tháng 3/2022, làm gia tăng rủi ro về triển vọng kinh tế, khi tình trạng phong tỏa xã hội ở thành phố Thượng Hải kéo dài.

Tập đoàn tài chính Barclays hôm 19/4 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 4,5% xuống còn 4,3%, trong khi ngân hàng Mỹ Bank of America hạ dự báo của họ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm nay từ 4,8% xuống 4,2%.

Ngày 20/4, trong cuộc họp báo tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Georgieva phát biểu rằng: “Những gì chúng tôi thấy ở Trung Quốc là hoạt động tiêu thụ đang giảm và không phục hồi mạnh mẽ như cần thiết. Vì vậy, thay vì chuyển tiền vào các khoản đầu tư công, hãy chuyển nó vào túi của mọi người, để tạo ra động lực thúc đẩy sự bùng nổ tiêu dùng".

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ triển khai các biện pháp có mục tiêu để thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng.

Việc chi tiêu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa xã hội trên toàn quốc bắt đầu từ tháng trước để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo số liệu chính thức, tiêu dùng chiếm 69,4% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục