Indonesia: ASEAN cần tăng cường hợp tác để đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng

09:16' - 20/06/2023
BNEWS Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng bền vững, được thực hiện thông qua kết nối ASEAN với tư cách là tâm điểm tăng trưởng.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đã kêu gọi các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy hợp tác, tăng cường tài chính bền vững và bao trùm, cũng như tiếp cận các công nghệ phù hợp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Lời kêu gọi trên đã được Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị các quan chức cấp cao năng lượng ASEAN (ASEAN SOME) lần thứ 41, tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta vào ngày 19/6.

Ông Arifin nhấn mạnh: “Bối cảnh năng lượng toàn cầu đang thúc đẩy chuyển đổi bền vững từ nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch sang nền kinh tế carbon thấp một cách bao trùm và công bằng, trong đó xem xét hoàn cảnh, khả năng và ưu tiên của các quốc gia”.

Theo ông Arifin, tăng cường hợp tác không chỉ cần thiết giữa các nước thành viên ASEAN mà còn với các tổ chức quốc tế và các bên liên quan.

Trong khi đó, an ninh năng lượng cũng quan trọng như quá trình chuyển đổi năng lượng. Là nước giữ vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng bền vững, được thực hiện thông qua kết nối ASEAN với tư cách là tâm điểm tăng trưởng.

Tại cuộc họp, ông Arifin cũng cho rằng các dự án xây dựng đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP) và lưới điện ASEAN sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, tăng cường an ninh năng lượng. Theo quan chức này, các khoáng sản quan trọng cũng cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông Arifin khẳng định một số quốc gia ASEAN - như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Việt Nam – sở hữu một lượng lớn tài nguyên khoáng sản gồm nickel, thiếc, bauxite và kim loại đất hiếm, qua đó cho phép ASEAN đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cho rằng ASEAN cần phát triển các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với các khoáng sản phục vụ ngành công nghệ năng lượng sạch, ông Arifin nhận định rằng Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia là những nước đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo, chẳng hạn như pin quang điện Mặt trời (PV) và xe điện (EV).

Nhắc lại rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 hồi tháng Năm vừa qua đã nhất trí về việc sử dụng xe điện để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon (NZE), ông Arfin tái khẳng định cam kết của ASEAN phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực bằng cách thu hút sự tham gia của tất cả các nước thành viên, thúc đẩy ngành công nghiệp EV và đưa ASEAN trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Bộ trưởng Arifin cho biết ASEAN có tiềm năng năng lượng tái tạo ước tính lên tới 17.000 GW và có thể được sử dụng để thực hiện các mục tiêu năng lượng sạch và NZE. Ông đồng thời kêu gọi tăng cường đa dạng hóa công nghệ vì đây là chìa khóa để chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tương tự, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ cần được thực hiện một cách bao trùm hơn.

Cuối cùng, Bộ trưởng Arifin bày tỏ hy vọng rằng thông qua ASEAN SOME lần thứ 41, các quốc gia ASEAN có thể thảo luận thêm và giải quyết các vấn đề chiến lược mới nhất, chẳng hạn như giao dịch carbon và hoạt động khử carbon của ngành dầu khí, thông qua công nghệ thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon (CCS/CCUS).

Được tổ chức từ ngày 19-23/6, ASEAN SOME lần thứ 41 thu hút sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste với tư cách quan sát viên, tám nước đối tác đối thoại và một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hợp tác năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục