Indonesia bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế

16:08' - 22/09/2020
BNEWS Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia đã bước vào giai đoạn suy thoái sau khi hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý III/2020 vẫn ở mức âm trong khoảng từ -1,7% đến -0,6%, đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bước vào giai đoạn suy thoái sau khi hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Ngày 22/9, phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Indrawati khẳng định tăng trưởng âm sẽ được ghi nhận trong quý III và IV.

Trong năm tới, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt 4,5-5,5% với dự báo trung bình là 5%. Tuy nhiên, tất cả những điều này còn phụ thuộc vào dự báo về COVID-19 và cách đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Bà Indrawati cũng cho hay, dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình được dự báo sẽ nằm trong khoảng -3% đến -1,5%, chi tiêu của chính phủ từ 9,8% đến 17%, đầu tư từ -8,5% đến -6,6%, xuất khẩu từ -13,9% đến -8,7%, và nhập khẩu từ -26,8% đến -16%.

Bộ trưởng Indrawati cho biết dự báo tăng trưởng của cả năm nay sẽ nằm trong khoảng -1,7% đến -0,6%. Trong đó, nền kinh tế Indonesia vẫn đạt mức tăng trưởng dương 2,97% trong quý I, song bắt đầu tăng trưởng âm từ quý II với mức giảm -5,32%.

Trước đó, hồi tháng Tám vừa qua, bà Indrawati đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống còn -0,2% đến 1,1% so với mức ban đầu 2,3%. Tuy nhiên, bà lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ trở lại mức dương trong năm 2021, đạt từ 4,5% đến 5,5%.

Trong năm nay, tỷ lệ lạm phát được dự báo vào khoảng 2,0-4,0%, lãi suất điều hành từ 3,0% đến 4,0%, tỷ giá trong khoảng 14.400- 14.800 rupiah đổi một USD, giá dầu thô ở mức 35-40 USD/thùng, sản lượng dầu đạt 705.000 thùng/ngày và sản lượng khí đốt đạt 992.000 thùng quy đổi mỗi ngày.

Bà Indrawati cho biết để ứng phó với các tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đặc biệt nhằm duy trì và phục hồi y tế, các điều kiện kinh tế-xã hội của người dân và các doanh nghiệp.

Indonesia cũng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia nhằm ngăn chặn đà sụt giảm sâu hơn và khôi phục cung cầu, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và sản xuất. Những động thái này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý III và quý IV/2020 nhằm duy trì tăng trưởng dương trong cả năm nay.

Đối với năm 2021, bà Indrawati ước tính thu ngân sách nhà nước sẽ đạt 1.776.400 tỷ rupiah (120,84 tỷ USD), chi tiêu ngân sách nhà nước đạt 2.747.500 tỷ rupiah và thâm hụt ngân sách đạt 971.200 tỷ rupiah hoặc 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Doanh thu từ thuế ước tính sẽ tăng 5,5% lên mức 1.481.900 tỷ rupiah so với mức 1.404.500 tỷ rupiah của năm 2020.

Về chi tiêu ngân sách năm 2021, Chính phủ Indonesia sẽ dành 169.700 tỷ rupiah cho lĩnh vực y tế, 419.300 tỷ rupiah cho bảo trợ xã hội, 104.200 tỷ rupiah để đảm bảo an ninh lương thực, 414.000 tỷ rupiah cho phát triển cơ sở hạ tầng, 549.500 tỷ rupiah cho giáo dục, 30.500 tỷ rupiah để phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, 172.900 tỷ rupiah dành cho trợ cấp năng lượng và phi năng lượng, 796.300 tỷ rupiah để hỗ trợ cho các địa phương, và cấp 72.000 tỷ rupiah cho các quỹ làng.

Gói ngân sách phục hồi kinh tế quốc gia năm 2021 sẽ có tổng kinh phí 356.200 tỷ rupiah, trong đó 25.400 tỷ rupiah cho lĩnh vực y tế, 110.200 tỷ rupiah cho công tác bảo trợ xã hội, 136.700 tỷ rupiah hỗ trợ cho các bộ ngành, 48.400 tỷ rupiah hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, 20.400 tỷ rupiah dành cho khuyến khích kinh doanh, và 14.900 tỷ rupiah hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục