Indonesia có kế hoạch sử dụng điện hạt nhân vào năm 2040

08:55' - 04/11/2021
BNEWS Tổng công ty điện lực PLN thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia vừa công bố kế hoạch triển khai các công nghệ năng lượng mới gây tranh cãi nhằm đưa Indonesia đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Trong một tuyên bố hôm 31/10, PLN cho biết đã lên kế hoạch triển khai công nghệ lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS) vào năm 2035 và vận hành các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2040.

Đây đều là những công nghệ không phát thải mới nổi song chi phí vốn cao, gây lo ngại về an toàn và thiếu sẵn sàng về công nghệ.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PLN Zulkifli Zaini dự báo các khoản đầu tư cho CCUS sẽ trở nên hợp lý hơn trong tương lai khi công nghệ phát triển.

Trong điều kiện đó, CCUS sẽ cho phép duy trì việc sử dụng than đá với một khối lượng nhất định tới năm 2060. Ông Zulkifli nhấn mạnh: “Trong tương lai, năng lượng mới và tái tạo (NRE) sẽ là nguồn năng lượng cơ bản cạnh tranh với năng lượng hóa thạch”.

Kế hoạch của PLN được công bố trong bối cảnh các nhà lập pháp đang cân nhắc một dự luật về NRE, theo đó khuyến khích các công nghệ năng lượng mới như CCUS và điện hạt nhân - đề xuất vốn vấp phải sự phản đối của ngành năng lượng tái tạo và các nhà hoạt động môi trường.

Bên cạnh CCUS và điện hạt nhân, PLN còn có kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Công ty có kế hoạch bắt đầu ngừng hoạt động 1 GW điện than theo công nghệ tới hạn vào năm 2030, 9 GW điện than tới hạn vào năm 2035, 10 GW điện than siêu tới hạn vào năm 2040, 24 GW điện than quá siêu tới hạn vào năm 2045, và 5 GW còn lại bắt đầu từ năm 2055.

Theo ông Zukifli, việc triển khai CCUS sẽ cho phép PLN duy trì khoảng 150 TWh điện sản xuất từ than đá từ năm 2030 đến năm 2060, trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí phát thải.

Tỷ trọng của các nhà máy điện than trong cơ cấu năng lượng quốc gia dự kiến sẽ giảm, ngược với tỷ trọng của NRE.

PLN đặt mục tiêu CCUS sẽ chiếm 24% tổng công suất điện lắp đặt vào năm 2040. Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân cũng được dự kiến đưa vào vận hành vào cùng năm với tỷ trọng mục tiêu 4%.

Nhà phân tích năng lượng Putra Adhiguna thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết hiện việc áp dụng CCUS vô cùng tốn kém. Chi phí vốn của CCUS trên mỗi MW có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba chi phí một nhà máy điện than. Do vậy, cần ưu tiên cho các lĩnh vực khó cắt giảm khí phát thải như sản xuất thép và hóa chất.

Khí thải công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trên toàn thế giới. Số liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy lĩnh vực sản xuất sắt, thép và các khoáng chất phi kim loại thải CO2 nhiều nhất, chiếm tới 44% tổng lượng khí thải CO2 công nghiệp.

Carbon Clean - công ty giải pháp lưu trữ carbon công nghiệp có trụ sở tại London - ước tính rằng 3,3 tỷ tấn khí thải CO2 đã được tạo ra từ 1,8 tỷ tấn thép được sản xuất trong năm 2018.

Ông Putra nhấn mạnh: “Đó là một cuộc chạy đua về chi phí. Ngay cả khi chi phí CCUS rẻ hơn, NRE cũng không phải là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục