Indonesia có thể cạnh tranh trên thị trường lao động chất lượng cao?

05:30' - 24/10/2020
BNEWS Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến quý I/2020, ước tính có khoảng 16,3% thanh niên tại Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Mới đây, trang mạng The ASEAN Post đăng tải bài viết "Liệu Indonesia có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động chất lượng cao hiện nay?", trong đó chỉ ra những vấn đề tồn tại rất lớn trong việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao tại Indonesia.

Vấn đề này đang là lực cản lớn đối với Indonesia trong việc bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Nếu Indonesia không sớm thực hiện chiến lược điều chỉnh hệ thống giáo dục, nước này sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà trong cuộc cạnh tranh lao động đầy khốc liệt.

Indonesia là quốc gia đang tồn tại nhiều vấn đề khi phải đối mặt với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bối cảnh phát triển nhanh chóng và nhu cầu tiềm năng đối với lực lượng lao động của nước này đang trở thành mối quan tâm thực sự của chính phủ.

Nền kinh tế lớn nhất ASEAN có thể không thay đổi kịp để trang bị cho người dân những kỹ năng và kiến thức cần thiết nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trên chính quốc gia của mình.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến quý I/2020, ước tính có khoảng 16,3% thanh niên tại Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Con số này cho thấy Indonesia có tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, tiếp theo là Malaysia với tỷ lệ 11% và Việt Nam với tỷ lệ 7,4%.

Trong bối cảnh không có cơ hội cạnh tranh việc làm trên chính quốc gia mình, nhiều người Indonesia đang phải tìm cách xuất khẩu lao động ra thị trường ngoài nước.

Theo báo cáo Nhân tài châu Á 2019 của công ty dịch vụ tuyển dụng và tìm kiếm điều hành RGF International Recruitment, phần lớn người Indonesia (38%) quyết định lựa chọn Singapore là điểm đến để cống hiến sức lao động của mình. Vì xét cho cùng Singapore là láng giềng của Indonesia và không quá xa cách về mặt địa lý.

Hơn nữa, giữa Singapore và Indonesia có một số điểm tương đồng nên việc đến Singapore làm việc sẽ ít nhiều thuận lợi hơn đối với người Indonesia khi đến các quốc gia khác.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ngoài Singapore là lựa chọn số một, người dân Indonesia cũng thường xuyên cân nhắc lựa chọn điểm đến lao động là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (13%) hoặc một nước láng giềng khác là Malaysia (7%).

Trong khi người lao động thuộc các quốc gia thành viên ASEAN khác được khảo sát (Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) cũng lựa chọn Singapore là điểm đến chính c

ủa họ, những lao động có trình độ cao của Indonesia vẫn chiếm vị trí cao nhất tại thị trường này.

Báo cáo cũng lưu ý rằng đa số người Indonesia được khảo sát (76,5%) đã chọn lương thưởng công bằng và thị trường cạnh tranh là yếu tố chính để đánh giá cơ hội việc làm.

Trong khi đó, 21% người Singapore cho biết Trung Quốc là điểm yêu thích của người dân và họ thường xem Trung Quốc là địa điểm lựa chọn số một khi quyết định ra nước ngoài làm việc.

Giới quan sát cho rằng việc lựa chọn và tìm kiếm việc làm tại Singapore không thực sự dễ dàng đối với đại bộ phận lao động người Indonesia.

Trong khi các nhà tuyển dụng Singapore tuyên bố rằng mối quan tâm số một của họ đối với tương lai là họ bị thiếu hụt nhân tài, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sẽ mang lại tin tốt lành cho hầu hết người dân Indonesia.

"Khi tuyển dụng nhân tài, các nhà tuyển dụng Singapore luôn coi trọng trình độ chuyên môn trong lĩnh vực lao động sẽ đảm nhiệm. Nhưng các nhà tuyển dụng cũng quan tâm không kém đến các kỹ năng mềm như trách nhiệm giải trình và khả năng thích ứng của người lao động.

Đối với các vị trí đảm nhiệm công việc mang tính kỹ thuật, năng lực cốt lõi là chìa khóa quan trọng, nhưng trong một số lĩnh vực nhất định, các kỹ năng này có thể dần được đào tạo, trong khi các kỹ năng lao động khác gần như là không thể", RGF lưu ý trong báo cáo của mình.

Tại Singapore, sau lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống, ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động cao là ngành công nghệ thông tin, hay nói cách khác những công việc liên quan đến Internet và truyền thông. Thật đáng tiếc, trong lĩnh vực này, người Indonesia thiếu hụt cả trình độ lẫn kỹ năng làm việc.

Giới quan sát nhận thấy rằng người lao động Indonesia đang thiếu hụt một lượng lớn lao động có trình độ cao.

Năm 2019, ông Mohamad Nasir, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Indonesia đã thúc giục tất cả các cơ sở giáo dục đại học tại Indonesia, đặc biệt là các trường đại học công lập, phải thực hiện các chương trình đào tạo để cho ra những sinh viên tốt nghiệp đại học có năng lực và kiến thức phù hợp với nhu cầu của các ngành nghề mà các sinh viên đã theo học.

Đây cũng là một trong những nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chính phủ Indonesia. Do đó, các trường đại học đã cố gắng với khả năng cao nhất để đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp với hy vọng đáp ứng tốt các yêu cầu của các ngành nghề lựa chọn.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn đào tạo ở nấc thang cuối cùng của quá trình đào tạo, giáo dục. Trên thực tế, gốc rễ của vấn đề có thể bắt nguồn từ cấp thấp hơn cấp đại học rất nhiều, có thể là từ cấp tiểu học học trung học. Nếu học sinh không được đào tạo tốt từ giai đoạn này, sẽ rất khó để có nền tảng phục vụ cho việc đào tạo chất lượng cao ở giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc xếp hạng chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Indonesia luôn thấp, nhiều báo cáo cũng chỉ ra rằng có một vấn đề đang gây khó khăn cho các trường học tại Indonesia.

Một báo cáo có tiêu đề "Ngoài khả năng tiếp cận: Làm cho hệ thống giáo dục của Indonesia hoạt động" của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney, Australia đã chứng minh một trong những vấn đề chính đối với hệ thống giáo dục của Indonesia bắt nguồn từ vấn đề "chính trị và quyền lực".

Báo cáo này nhấn mạnh rằng có rất ít động lực để giới tinh hoa tại Indonesia thúc đẩy cải cách hệ thống giáo dục một cách nghiêm túc và mạnh mẽ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Giới tinh hoa bảo thủ tại Indonesia cho rằng thà chấp nhận để giới trẻ không thực sự xuất sắc, không phát triển quá mức để dễ bề kiểm soát cho mục đích chính trị của quốc gia.

Theo Viện Lowy, vấn đề này rất nghiêm trọng. Ngoài việc đào tạo ra một thế hệ hoặc nhiều thế hệ thanh niên Indonesia thiếu hụt kiến thức, kỹ năng làm việc, lối tư duy này cũng sẽ kéo theo nạn tham nhũng, quan liêu, cửa quyền và đương nhiên chất lượng giáo dục mãi luôn dậm chân tại chỗ.

Theo đánh giá trong hồ sơ xếp hạng quốc gia của RGF, người Indonesia muốn ra nước ngoài làm việc chủ yếu vì muốn tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn với mức lương cao hơn trong nước. Tuy nhiên, số lượng người Indonesia đáp ứng được các yêu cầu của thị trưởng tuyển dụng lao động nước ngoài không thực sự nhiều.

Trong khi đó, Indonesia vẫn luôn nhấn mạnh rằng nước này đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân tài (50,4%), thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ việc phát triển kinh tế trong nước.

Chính phủ Indonesia cũng khẳng định rằng đào tạo người lao động có trình độ cao, đáp ứng được các yêu cầu công việc luôn là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của Indonesia.

Nhưng một điều chắc chắn là Indonesia cần phải phải nhanh chóng đẩy mạnh "cuộc chơi" của mình khi chất lượng giáo dục được nâng cao để có thể tăng cường phát triển kỹ năng không chỉ phù hợp với nhu cầu của các quốc gia khác mà còn của chính quốc gia mình trong xu thế ngày càng phát triển hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục