Indonesia đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất halal lớn nhất thế giới

07:16' - 30/10/2020
BNEWS Indonesia đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất thực phẩm halal (sản phẩm được “cho phép” và “hợp pháp” theo Luật Hồi giáo) lớn nhất thế giới vào năm 2024.
Phó Tổng thống Ma’ruf Amin cho biết Indonesia đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất thực phẩm halal (các sản phẩm được “cho phép” và “hợp pháp” theo Luật Hồi giáo) lớn nhất thế giới vào năm 2024 do có tới 87% dân số nước này là người Hồi giáo.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến hôm 24/10, Phó Tổng thống Amin cho biết Indonesia hiện chỉ chiếm 3,8% thị trường xuất khẩu halal toàn cầu. Theo Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2019, Brazil là nhà sản xuất halal lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 5,5 tỷ USD, đứng trước Australia với 2,4 tỷ USD.

Cũng theo ông Amin, nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm halal ước đạt 2.200 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến lên tới 3.200 tỷ USD vào năm 2024. Với dân số Hồi giáo dự kiến đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, thị trường halal toàn cầu sẽ tiếp tục tăng nhanh và đây là tiềm năng rất lớn mà Indonesia cần tận dụng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đánh giá rằng tổng giá trị tiềm năng xuất khẩu thực phẩm halal của Indonesia có thể đạt 229 triệu USD. Hiện Indonesia đang xuất khẩu các sản phẩm halal, trong đó có dầu cọ, sang 29 quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Theo bà Indrawati, Chính phủ Indonesia đã cung cấp các ưu đãi tài chính - như miễn giảm, hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và máy móc, hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo nghề, khuyến khích các nhà sản xuất halal tại các đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và khu công nghiệp - nhằm khuyến khích đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm halal.

Để hỗ trợ ngành công nghiệp halal, mới đây Indonesia đã công bố Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế Hồi giáo giai đoạn 2019-2024. Tổng vụ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Dody Widodo cho biết một trong những chiến lược chính của kế hoạch này là tăng cường chuỗi giá trị của ngành công nghiệp halal, bao gồm xây dựng các khu vực và trung tâm công nghiệp halal dựa vào lợi thế của từng vùng.

Theo ông Dody, thị trường tiêu thụ các sản phẩm halal trong nước đã đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025. Ông Dody cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế và tài chính Hồi giáo sẽ trở thành động lực kinh tế mới, trong đó Indonesia có tiềm năng trở thành “người chơi” lớn nhất thế giới. Theo đó, quốc gia này có thể trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm halal cung cấp cho các nước châu Á và Trung Đông.

Nhận thấy tiềm năng to lớn nói trên, Bộ Công nghiệp cùng các cơ quan liên quan đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế Hồi giáo bằng cách khuyến khích xây dựng hệ sinh thái công nghiệp halal. Cụ thể, Bộ Công nghiệp đã ban hành Quy định số 17/2020 nhằm khuyến khích các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đầu tư cải thiện cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp halal.

Bộ Công nghiệp cũng đặt mục tiêu xây dựng một tổ hợp công nghiệp halal tập trung và các khu công nghiệp (KCN) halal. Tính đến nay, đã có hai doanh nghiệp xin chuyển đổi thành KCN halal, gồm KCN Cikande rộng 500 ha tại tỉnh Banten, và KCN Safe & Lock với diện tích 100 ha tại tỉnh Đông Java.

Trong khi đó, theo ông Dody, có 4 KCN halal khác chuẩn bị được khởi công xây dựng, gồm KCN Bintan Inti rộng 100 ha và KCN Batamindo rộng 17 ha tại tỉnh Quần đảo Riau, KCN Jakarta Pulogadung, và KCN Surya Borneo rộng 146,5 ha tại tỉnh Trung Kalimantan.

Ngoài ra, một số KCN do các doanh nghiệp nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý như KCN Makassar, Khu ngoại quan Archipelago, KCN Tenayan và KCN Wijayakusuma cũng đang nghiên cứu chuyển đổi sang mô hình KCN halal./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục