Indonesia giải cứu hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

16:41' - 13/08/2020
BNEWS Indonesia sẽ giải ngân 22.000 tỷ rupiah cho hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) không thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng để tái khởi động kinh doanh trong giai đoạn suy thoái kinh tế.

Chính phủ Indonesia sẽ giải ngân 22.000 tỷ rupiah (1,49 tỷ USD) từ ngày 17/8 tới cho hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp này tái khởi động kinh doanh trong giai đoạn suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Teten Masduki, hiện Chính phủ đã phân bổ ngân sách cho giai đoạn một, với số tiền hỗ trợ lên tới 2,4 triệu rupiah/doanh nghiệp cho 9,1 triệu trong tổng số 12 triệu MSME của cả chương trình.

Hiện Chính phủ đã tổng hợp được số liệu về khoảng 17 triệu MSME và sẽ tiến hành xác minh để chương trình hỗ trợ này nhắm đúng đối tượng.

Chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, các MSME là một trong số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu và các khoản vay ngân hàng trở nên khó tiếp cận hơn.

Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện trong tháng Tư và tháng Năm vừa qua với 1.165 doanh nghiệp tham gia, với việc đóng cửa đột ngột và nhu cầu giảm, khoảng một nửa số doanh nghiệp nhỏ Indonesia đang cạn kiệt tiền mặt hoặc tiền tiết kiệm.

Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh phân bổ 123.470 tỷ rupiah để hỗ trợ cho các MSME, bao gồm cả việc cấp vốn cho các ngân hàng để thúc đẩy giải ngân các khoản vay vốn lưu động và hỗ trợ lãi suất cho vay, bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt vừa được công bố mới đây nhất.

Hôm 11/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết Chính phủ Indonesia cũng đang cân nhắc kế hoạch cung cấp các khoản vay không lãi suất trị giá 2 triệu rupiah cho mỗi doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tuy nhiên, mới có 32.500 tỷ rupiah hoặc 27,1% từ các gói kích thích đã được giải ngân tính đến ngày 6/8, trong đó có 30.000 tỷ rupiah hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng quốc doanh.

Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm phục hồi kinh tế, ông Budi Gunadi Sadikin thừa nhận rằng mức "hấp thụ" ngân sách trong một số chương trình kích thích dành cho các MSME là “thấp hơn so với dự kiến ban đầu”, đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ triển khai các chương trình mới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trong quý II/2020, nền kinh tế Indonesia đã suy giảm 5,32% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ quý I/1999, do chi tiêu hộ gia đình, vốn chiếm hơn một nửa GDP, sụt giảm 5,51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư, vốn đóng góp thứ hai cho GDP, giảm 8,61%, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 11,66% và 16,97%.

Chủ tịch Hiệp hội MSME Indonesia (Akumindo), ông Ikhsan Ingratubun đã hoan nghênh khoản hỗ trợ tiền mặt 2,4 triệu rupiah và cho biết đây là khoản hỗ trợ đầu tiên dưới hình thức này. Trước đây, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu dưới dạng các khoản vay.

Chính phủ Indonesia đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani đã kêu gọi các công chức dành số tiền hỗ trợ vừa được giải ngân của mình để mua các sản phẩm địa phương từ các MSME.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cũng cho biết Chính phủ nước này đang khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm trực tuyến nhằm tiếp tục duy trì hoạt động trong bối cảnh các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) vẫn chưa được dỡ bỏ.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ 14/5 đến 31/7 vừa qua, khoảng 1,4 triệu MSME của Indonesia đã chuyển sang bán hàng trực tuyến, chiếm 70% mục tiêu trong năm nay của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục