Indonesia khánh thành nhà máy điện địa nhiệt công suất 91 MW

15:38' - 10/01/2022
BNEWS Ngày 10/1, Công ty điện lực PT Supreme Energy đã bắt đầu vận hành thương mại nhà máy điện chạy bằng địa nhiệt Rantau Dedap I với tổng công suất 91,2 MW ở tỉnh Nam Sumatra của Indonesia.

Trước đó, nhà máy nhiệt điện nói trên đã được vận hành thử nghiệm từ ngày 26/12/2021. Tổng công ty điện lực nhà nước PLN sẽ cung cấp mạng lưới truyền tải để phân phối điện từ nhà máy đến người tiêu dùng.

 
Nhà máy nhiệt điện Rantau Dedap do PT Supreme Energy Rantau Dedap (SERD), liên doanh giữa Supreme Energy, công ty điện lực ENGIE của Pháp, các công ty Marubeni và Tohoku Electric Power của Nhật Bản, vận hành.

Người sáng lập Supreme Energy, ông Supramu Santosa cho biết SERD bắt đầu thăm dò địa điểm Rantau Dadap vào năm 2008. Đây là một dự án vô cùng thách thức do địa điểm đặt nhà máy và công việc xây dựng được tiến hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong một thông cáo báo chí, ông Supramu cho hay dự án được triển khai trong một khu vực cao nguyên hẻo lánh và dốc với độ cao 2.600m so với mực nước biển, trải dài trên ba khu vực hành chính gồm huyện Muara Enim, huyện Lahat và thành phố Pagar Alam của tỉnh Nam Sumatra.

Cũng theo ông Supramu, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn một của dự án lên tới hơn 700 triệu USD. SERD đã ký thỏa thuận mua bán điện vào năm 2012 với thời hạn 30 năm và kết thúc giai đoạn phát triển đầu tiên vào năm 2018.

Nhà máy điện địa nhiệt Rantau Dedap I dự kiến sẽ giảm lượng khí thải carbon 486.000 tấn mỗi năm. Trước đó vào năm 2019, Supreme Energy cũng đã vận hành một nhà máy điện địa nhiệt công suất 86 MW ở huyện Muara Laboh, tỉnh Tây Sumatera.

Công ty có kế hoạch phát triển thêm hai nhà máy điện địa nhiệt khác, gồm tổ máy thứ hai nhà máy Muara Laboh với công suất 80 MW, và nhà máy Rajabasa ở tỉnh Lampung hiện đang trong giai đoạn thăm dò.

Indonesia, quốc gia có trữ lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới, đang đặt mục tiêu nâng tổng công suất sản xuất điện địa nhiệt lên mức 3,35 GW vào năm 2030 theo Kế hoạch mua sắm điện dài hạn (RUPTL) của PLN.

Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho thấy trong tổng số 23,7 GW công suất địa nhiệt tiềm năng, hiện chỉ mới có 9,2%, tương đương với 2,18 GW, đã được khai thác sử dụng, trong khi 1,33 GW đã được phân bổ cho các kế hoạch mở rộng tới năm 2035./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục