Indonesia nỗ lực xây dựng “ngân hàng trung ương xanh”

13:47' - 21/02/2022
BNEWS Ngân hàng trung ương Indonesia - BI đang nỗ lực cho việc trở thành “ngân hàng trung ương xanh”.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia - BI, Perry Warjiyo, cho biết BI đang nỗ lực cho việc trở thành “ngân hàng trung ương xanh”, trong đó các công cụ kinh tế và tài chính xanh sẽ là một phần trong các chính sách điều hành.

Ngày 18/2, phát biểu tại một sự kiện bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Jakarta, ông Warjiyo nhấn mạnh, điều quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái công cụ tài chính bền vững.

 

Theo Thống đốc Warjiyo, tính khả dụng của các công cụ thị trường tiền tệ xanh, tài chính xanh và toàn diện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như nền kinh tế và tài chính Hồi giáo bền vững đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của BI và các cơ quan hữu quan nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái xanh tại Indonesia.

Ông Warjiyo cho rằng giới chức cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cả chính sách khuyến khích và không khuyến khích, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, bao gồm bộ phân loại xanh, các dịch vụ xác minh, tổ chức cấp chứng chỉ xanh, và các dịch vụ xếp hạng xanh.

Trong khi đó, các ngân hàng và tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài chính cần cùng nhau cắt giảm khối lượng phát thải carbon và giảm thiểu các rủi ro của biến đổi khí hậu.

Ông Warjiyo khẳng định việc cải thiện các công cụ xanh và đầu tư xanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm.

Theo Thống đốc BI, đầu tư vào các công cụ tài chính xanh tập trung vào năng lượng xanh, giao thông xanh, công trình xanh, ... có thể tạo ra các nguồn lực tăng trưởng kinh tế và các cơ hội việc làm mới.

Ông Warjiyo cho rằng điều này có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế và tài chính bền vững hơn và cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trước đó, Phó giám đốc phụ trách ổn định hệ thống tài chính thuộc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Agus Edy Siregar cho biết cơ quan này đang hỗ trợ phát triển các công cụ tài chính xanh và bền vững tại Indonesia và đã ghi nhận một số cải thiện.

Ông Siregar lưu ý sự phát triển của các công cụ tài chính xanh và bền vững đã bắt đầu được cải thiện và cho đến nay, trong khuôn khổ G20, nền kinh tế xanh đã trở thành một chủ đề thảo luận quan trọng.

Ông Siregar cho hay, trước khi ban hành Bảng phân loại xanh, Indonesia đã có nhiều công cụ tài chính bền vững, bao gồm 32.100 tỷ rupiah (2,17 tỷ USD) trái phiếu xanh, 55,9 tỷ USD tài trợ hoặc các khoản cho vay bền vững và tài trợ hỗn hợp 3,27 tỷ USD cho 55 dự án.

Theo ông Siregar, Indonesia đang gặp một số thách thức trong việc phát hành các công cụ tài chính xanh, chẳng hạn như thiếu các chương trình khuyến khích phát hành trái phiếu xanh hoặc tài trợ xanh, do cần các thủ tục bổ sung để xác minh hoặc xác định lĩnh vực hoặc dự án liên quan có đảm bảo yếu tố “xanh” hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục