Iran hy vọng vào cơ chế thanh toán bù trừ với các nước châu Âu

10:28' - 22/11/2018
BNEWS SPV là cơ chế thanh toán bù trừ, cho phép sử dụng dầu và khí đốt của Iran để đổi lấy hàng hoá của EU.

Iran ngày 21/11 đã hoan nghênh nỗ lực của châu Âu để duy trì giao thương với Tehran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, khi viện dẫn “các cuộc họp mang tính xây dựng” với các quan chức của Anh và Pháp tại Tehran trong tuần này để thiết lập cách thức trao đổi thương mại “phi USD”.

Quang cảnh cơ sở sản xuất dầu South Pars ở thị trấn Assaluyeh, miền nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết Iran đã có các cuộc gặp với phái đoàn của Anh, Pháp nói riêng và các nhà đàm phán hạt nhân tại Tehran trong các ngày 20 và 21/11.

Liên minh châu Âu (EU) nói chung và ba cường quốc Anh, Pháp, Đức vẫn quyết tâm bảo vệ thoả thuận hạt nhân. Các quan chức Ngoại giao Iran rất hy vọng vào động thái này, vì ngày 20/11, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif đã bày tỏ lo ngại về việc các cường quốc châu Âu đang rất khó khăn để thiết lập cơ chế thương mại đặc biệt SPV.

Tuần trước, nỗ lực thiết lập SPV của Anh, Pháp và Đức đã bị chững lại khi chưa có quốc gia EU nào sẵn sàng đón nhận cơ chế này, do lo ngại những biện pháp trừng phạt của Mỹ, bao gồm lệnh cấm tiếp cận thị trường Mỹ. SPV là cơ chế thanh toán bù trừ, cho phép sử dụng dầu và khí đốt của Iran để đổi lấy hàng hoá của EU.

Cơ chế này có thể giúp đối phó lại với các lệnh trừng phạt của Mỹ dựa trên việc sử dụng đồng USD trong các thanh toán quốc tế. Nếu trở thành hiện thực, SPV sẽ tạo thuận lợi cho Iran có thể mua được các mặt hàng thiết yếu và giao thương với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của châu Âu.

Tuy nhiên, tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Iran cho biết các ngân hàng và doanh nghiệp châu Âu tham gia SPV có thể phải chịu nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân 2015 với Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông. Ba cường quốc EU là Đức, Anh và Pháp, cùng với Nga và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết đối với thoả thuận hạt nhân Iran.

Tehran đã đưa ra cảnh báo có thể không tiếp tục thực thi thoả thuận trừ khi những lợi ích kinh tế của nước này được bảo đảm.

>>>EU sẽ giao dịch với Iran thông qua cơ chế đặc biệt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục