Iran ứng phó trước các lệnh trừng phạt của Mỹ

05:30' - 08/10/2018
BNEWS Iran đang đối mặt với nguy cơ kim ngạch xuất khẩu dầu sụt giảm mạnh, nhưng bằng những kinh nghiệm “lách luật” của mình, Tehran có thể hạn chế được tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Quang cảnh cơ sở sản xuất dầu South Pars ở thị trấn Assaluyeh, miền nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi Iran chịu các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt nhất trong những năm từ 2012-2015, giới phân tích cho biết nước này đã tìm ra nhiều giải pháp "sáng tạo", từ sơn và đặt tên lại các con tàu cho đến việc tắt các thiết bị theo dõi. Và các chuyên gia dự đoán những thủ thuật này sẽ được tái diễn khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ tháng 11 tới.

Áp lực từ Washington đã khiến doanh thu xuất khẩu dầu của Iran giảm 24% từ tháng 5-8/2018, theo hãng tin Bloomberg. Trong đó, ngạc nhiên lớn đến từ những người mua ở châu Á vốn được giới phân tích dự đoán sẽ chống lại áp lực của Mỹ, nhưng nhập khẩu dầu từ Iran của Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm lần lượt 35% và 49%, theo công ty tư vấn Eurasia Group.

Điều này khá dễ hiểu khi Ấn Độ đang tìm cách làm sâu sắc quan hệ chiến lược với Mỹ, trong khi Trung Quốc có lẽ muốn tránh gây thêm căng thẳng với Mỹ khi mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đang không được tốt đẹp.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu giảm doanh thu xuất khẩu dầu của Iran về 0 của Washington là không thực tế. Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới và nhiều nước, đặc biệt ở châu Á, đang phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này. Tehran cũng có nhiều cách đã được kiểm chứng để duy trì hoạt động xuất khẩu dầu.

Theo Công ty tư vấn Wood Mackenzie, kể từ tháng Năm, Iran đã tăng cường giảm giá đến khoảng 10-15 triệu USD/tháng so với năm ngoái cho các nước nhập khẩu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Khách hàng có thể trả bằng hàng hóa và dịch vụ, giao dịch bằng các đồng tiền khác, hoặc nợ, thậm chí là giữ tiền trong một tài khoản bảo chứng ở Thụy Sỹ và chờ cho đến khi các lệnh trừng phạt này chấm dứt. Ấn Độ đã có một thỏa thuận như vậy vào lần trước.

Ông Thijs Van de Graaf, trợ lý giáo sư của Đại học University of Ghent cho biết nếu Iran có thể vận chuyển dầu đến một cảng “thân thiện” nào đó, số dầu này có thể được trộn lẫn với dầu từ các nơi khác và bán lại. Ông cho biết Iran đã chơi trò “mèo vờn chuột” vào lần trước và có thể sẽ lại tiếp tục trong lần này.

Tehran còn có những lựa chọn quyết liệt hơn. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gần đây đã nhắc lại lời đe dọa trước đó rằng nước này sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, nơi khoảng 1/3 lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua mỗi ngày. Ông Rouhani hồi tuần trước cho biết Iran sẽ chuyển cảng dầu chính của nước này ra khỏi vùng Vịnh đến một cảng ở Biển Oman, để các tàu chở dầu của Iran không phải đi qua eo biển Hormuz nữa, từ đó cho phép nước này có khả năng làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Iran cho biết nước này sẽ không chấp nhận để doanh thu xuất khẩu dầu giảm mạnh và Tehran cũng đã gây áp lực đặc biệt đối với châu Âu, nơi nhập khẩu hơn 20% dầu của Iran. Liên minh châu Âu (EU) đã quyết liệt phản đối quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Washington, đồng thời cam kết sẽ đưa ra một loạt các biện pháp để bảo vệ hoạt động thương mại với quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi mới đây cảnh báo nếu nước này không thể duy trì mức doanh thu xuất khẩu dầu như trước đây kể cả sau khi châu Âu thực hiện các biện pháp của mình, thì đó sẽ là giới hạn đối với Tehran. Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng cảnh báo Iran sẽ gạt thỏa thuận hạt nhân sang một bên nếu thỏa thuận này không còn mang lại cho Iran những lợi ích kinh tế như đã hứa.

Một điểm khá tích cực đối với Iran là giá dầu đang tăng lên do nguồn cung đang dần thắt chặt khi lệnh trừng phạt của Mỹ đang đến gần. Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD/ounce. Về mặt lý thuyết, giá dầu hoàn toàn có khả năng tăng lên đến mức có thể bù đắp cho sự sụt giảm trong lượng dầu xuất khẩu của Iran. Đó là lý do Mỹ gây áp lực buộc nước đồng minh của mình là Saudi Arabia tăng sản lượng để bù lại sự sụt giảm nguồn cung từ Iran.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục