J&J vẫn tham vọng sản xuất 1 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 vào năm 2021

19:04' - 12/08/2020
BNEWS Theo một quản lý cấp cao của Johnson & Johnson (J&J), năm tới công ty có thể sản xuất 1 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 tiềm năng của mình nếu chứng minh được loại vắc-xin này thành công.

Song J&J cũng đang cân nhắc những trở ngại trong quá trình thử nghiệm loại vắc-xin phòng COVID-19 này.

J&J đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu về tính an toàn của vắc-xin ở trên người vào tháng Bảy, sau khi công bố chi tiết về một nghiên cứu trên khỉ cho thấy ứng cử viên vắc-xin tốt nhất của họ cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chỉ với một liều duy nhất. Công ty đang phát triển loại vắc-xin này với sự hợp tác của công ty con Janssen ở Bỉ.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Johan Van Hoof, người đứng đầu bộ phận phát triển vắc-xin tại Janssen cho biết các thử nghiệm quy mô lớn sẽ bắt đầu vào đầu tháng Mười và J&J đặt mục tiêu có kết luận về tính hiệu quả của vắc-xin trong khoảng từ cuối năm nay đến giữa năm 2021.

Ông Van Hoof nói rằng việc sản xuất vắc-xin đã bắt đầu, bất chấp những rủi ro tài chính liên quan, để đảm bảo rằng vắc-xin này sẽ có sẵn càng sớm càng tốt nếu nó chứng minh được hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Quản lý cấp cao này khẳng định phía công ty sẽ sản xuất sẵn vài triệu liều vào đầu năm 2021, với tổng công suất có thể đạt là 1 tỷ liều vào cuối năm tới. Ông Van Hoof nói thêm rằng công ty muốn đây sẽ là loại vắc-xin chỉ cần tiêm một liều, mặc dù quyết định cuối cùng về việc liệu có cần một mũi tiêm bổ trợ hay không vẫn chưa được đưa ra.

Theo ông Van Hoof, kết quả của các thử nghiệm quy mô lớn (còn gọi là thử nghiệm Giai đoạn III) sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm COVID-19. Kết quả thử nghiệm sẽ có nhanh hơn trong trường hợp mức lây truyền virus cao hơn. Đó là lý do tại sao J&J có thể sẽ tiến hành thử nghiệm ở Mỹ và khu vực Mỹ Latinh, những khu vực hiện có số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới.

Nếu đà lây lan dịch bệnh giảm đáng kể, J&J cũng đang xem xét việc thử nghiệm vắc-xin lên các tình nguyện viên tự nguyện nhiễm virus. Song ông Van Hoof cũng lưu ý rằng những thử nghiệm như vậy đặt ra các câu hỏi về mặt đạo đức cần được giải quyết trước khi chúng có thể được tiến hành. Ví dụ, cần có một liệu pháp hiệu quả chống lại căn bệnh này để giảm thiểu rủi ro cho những người tình nguyện tiếp xúc với virus.

Ông Van Hoof nói rằng việc chuẩn bị cho các thử nghiệm như vậy đã được tiến hành và J&J đang thảo luận với các trường đại học và các cơ quan khác có tham gia dự án này. Tuy nhiên, việc thiết lập các cơ sở cho những thử nghiệm như vậy có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc thử nghiệm vắc-xin trên những người đã bị nhiễm bệnh trong cộng đồng./.

>>> Canada: Vaccine COVID-19 không phải “liều thuốc thần” chống lại đại dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục