Kế hoạch cải cách lương hưu của Pháp có thể gặp khó

06:26' - 06/06/2021
BNEWS Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận rằng, các chương trình cải cách lương hưu mà ông dự kiến không thể diễn ra như kế hoạch sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phát biểu trên đánh dấu sự rút lại một trong những chính sách quan trọng mà ông đã cam kết thực hiện khi nhậm chức.

Việc ông Macron cải tổ hệ thống lương hưu đắt đỏ của Pháp, một trọng tâm trong nỗ lực nhằm tạo ra một thị trường lao động linh hoạt và cạnh tranh hơn, đã khiến các tổ chức nghiệp đoàn bất bình, dẫn đến các vụ đình công kéo dài nhiều tuần trong ngành vận tải và sau đó đã bị gác lại khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế.

Ông Macron lưu ý, kế hoạch cải cách lương hưu rất tham vọng và cực kỳ phức tạp và đó là lý do tại sao nó tạo ra sự quan ngại. Việc triển khai kế hoạch này vào thời điểm hiện tại, khi cả thế giới đang ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đầy thách thức đồng nghĩa với việc bỏ qua những mối quan ngại cần thiết.

Cải cách hệ thống lương hưu của Pháp là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của ông Macron trước cuộc bầu cử vào năm 2017 khi mỗi năm Chính phủ phải dành 14% GDP để trả lương.

Khi cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra vào mùa Xuân năm 2022, ông Macron phải quyết định xem có nên mạo hiểm thúc đẩy cuộc cải cách gây tranh cãi này hay thực hiện tái tranh cử với một kế hoạch mới.

Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ xem xét tình hình phục hồi kinh tế Pháp và "sức khỏe" của nền tài chính công trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc cải cách lương hưu, vốn dự kiến sẽ được thực hiện vào mùa Hè năm nay.

Ông Macron cũng liên hệ mục tiêu hạn chế chi phí trả lương hưu với một kế hoạch cải cách riêng biệt, theo đó nhà nước sẽ tăng trợ cấp cho những người cao tuổi cần được chăm sóc.

Hiện ở Pháp có khoảng 42 mức hưu trí khác nhau dành cho người lao động thuộc những ngành nghề khác nhau, kèm theo là những chế độ khác nhau.

Với quan điểm đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất bình đẳng giữa các chế độ hưu trí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ khi lên cầm quyền năm 2017 đã theo đuổi mục tiêu rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh đang tồn tại ở Pháp.

Theo đề xuất của Chính phủ, hệ thống lương hưu hiện hành sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Hệ thống hưu trí mới cũng sẽ giữ nguyên tuổi về hưu theo quy định là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.

Điều này nghĩa là, để được hưởng 100% trợ cấp xã hội và lương hưu thì tuổi nghỉ hưu cơ sở của một người lao động tại Pháp sẽ là 64 tuổi. Người lao động cũng có quyền nghỉ hưu từ độ tuổi 62 nhưng sẽ không được hưởng 100% trợ cấp xã hội như quy định hiện hành./.

>>Đức: Thiếu hụt lao động tay nghề cao ngày càng tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục