Kế hoạch phục hồi hậu khủng hoảng COVID-19 của EU bị chặn bởi các quốc gia "thanh đạm"

09:51' - 18/07/2020
BNEWS Ngày đầu của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), về một kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế EU sau đại dịch COVID-19 đã vấp phải lập trường kiên quyết của các quốc gia được gọi là "thanh đạm".
Ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự án về một kế hoạch lớn nhằm vực dậy nền kinh tế EU sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vấp phải lập trường kiên quyết của các quốc gia được gọi là "thanh đạm" như Hà Lan và Áo.

Sau hơn 7 giờ thảo luận tại hội nghị ngày 17/7, được coi là "mang tính xây dựng", các lãnh đạo đã gặp nhau trong một bữa tối nơi các cuộc thảo luận trở nên căng thẳng, vì lập trường được coi là quá cứng nhắc của Hà Lan trong việc kiểm soát các quỹ sẽ được phân bổ.

Trọng tâm của các cuộc thảo luận là kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, được tạo ra nhờ một khoản vay chung, lấy cảm hứng từ một đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kế hoạch này được dựa trên 250 tỷ đi vay, cùng các khoản tài trợ lên tới 500 tỷ, sẽ không phải do các quốc gia thụ hưởng hoàn trả. Nó được hỗ trợ bởi ngân sách dài hạn của EU (2021-2027) với số tiền 1.074 tỷ euro.

Bốn quốc gia được gọi là "thanh đạm" - Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển – mới được thêm Phần Lan, đã quyết liệt bảo lưu về đề xuất này, vốn được coi là có lợi nhất cho Italy  và Tây Ban Nha, hai quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất.

Theo một nguồn tin ngoại giao, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte yêu cầu các kế hoạch cải cách của mỗi quốc gia phải được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua, chứ không phải chỉ là đa số. Nói cách khác, ông Rutte muốn có quyền phủ quyết, một yêu cầu mà ông là người duy nhất đưa ra.

Một nhà ngoại giao không nêu tên nói những gì Hà Lan đang yêu cầu là không thể về mặt pháp lý và "khó nuốt" về mặt chính trị.

Trong nỗ lực hòa giải các lập trường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel đã đề xuất một cơ chế cho phép một quốc gia có ý kiến bảo lưu về kế hoạch cải cách của một quốc gia khác có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước. Nhưng ý tưởng này bị nhiều người tham dự hội nghị phản đối.

Nếu những người "thanh đạm" khác không ủng hộ ông Rutte trong đề xuất về quyền phủ quyết, họ giữ nguyên sự e dè của mình, đặc biệt là về số tiền trợ cấp mà họ muốn giảm.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh rằng đất nước của ông rõ ràng muốn từ chối đề xuất hiện tại. Ông nhấn mạnh tất nhiên nước Áo muốn thể hiện sự đoàn kết, nhưng quốc gia này cũng phải quan tâm tới lợi ích của người nộp thuế.

Theo lịch trình, Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tiếp tục vào 11 giờ sáng ngày 18/7 (giờ địa phương). Các cuộc thảo luận ngày 18/7 có thể kéo dài và khó khăn để đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên. Hội nghị thượng đỉnh thậm chí cũng có thể được kéo dài đến 19/7 trong trường hợp cần thiết.

Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng, do đại dịch COVID-19, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU - tất cả đều mang khẩu trang - gặp nhau trực tiếp ở Brussels./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục