Kết nối đưa trái cây của các hợp tác xã tới thị trường tiềm năng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã huy động các nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.
Hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối người sản xuất là các hợp tác xã với các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và 19 tỉnh thành phía Nam.Qua đó, đã kết nối tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản của thành viên trong thời gian ngắn, góp phần giảm tình trạng ứ đọng, giảm giá trị nông sản.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo kỳ vọng hội nghị sẽ là cầu nối cho các hợp tác xã sản xuất trái cây và các sản phẩm từ trái cây có cơ hội được mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt được thông tin chính xác và nhanh nhất về các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Hội nghị cũng là cầu nối gặp gỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước, vừa duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung quốc, Nhật Bản, châu Âu, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới như Tây Á, Nam Á, để từ đó có định hướng cho các hợp tác xã từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo quy cách về sản lượng và chất lượng sản phẩm.Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Theo khảo sát của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản khác do các hợp tác xã sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 25%-75% tuỳ theo ngành hàng; trong đó, trái cây chiếm 55%.
Nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, các hợp tác xã đã kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm đa dạng (trái cây được cấp đông, nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc…), đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như HACCP (Hazard Analysis Critical Control Points), BRC (British Retailer Consortium), Halal (Sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng). Đặc biệt, nhiều sản phẩm của hợp tác xã như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài... có tiềm năng xuất khẩu lớn, rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế. Bên cạnh những ưu thế, sản phẩm trái cây của các hợp tác xã vẫn còn có hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như MRL (Maximum Residue Level- nồng độ tối đa dư lượng thuốc trừ sâu), nồng độ kim loại nặng trong trái cây còn chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây phải nhập khẩu; 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao; tình trạng được mùa mất giá do cung vượt cầu; các hợp tác xã chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông…Tham luận tại hội nghị, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho hay: Với dân số gần 150 triệu người, Nga là thị trường tiêu thụ trái cây hàng đầu tại khu vực Đông Âu. Hơn nữa, Nga nhập khẩu hầu hết các loại trái cây tươi nhiệt đới và sản phẩm trái cây từ châu Á, Nam Mỹ, châu Phi...
Năm 2020, Nga nhập khẩu hạt điều với tổng trị giá 80,3 triệu USD, chuối 1,12 tỷ USD, xoài, ổi, măng cụt tươi (chủ yếu là xoài) 73,6 triệu USD, xoài, ổi, măng cụt sấy (chủ yếu là xoài) 9,9 triệu USD, bưởi 76,2 triệu USD, chanh 228 triệu USD... Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, nhưng phần lớn vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường Nga.Theo ông Dương Hoàng Minh, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang LB Nga có tăng trưởng mạnh kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, nhưng còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong nhập khẩu các mặt hàng này của Nga.
Qua trao đổi với các doanh nghiệp nhập khẩu, những nguyên nhân chủ yếu làm trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài gồm chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều, khó có thể thu mua được với khối lượng lớn; công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường; chi phí vận tải cao; diện mặt hàng chưa đa dạng và chủ yếu ở dạng tươi, sấy, dạng nước chưa có nhiều. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng diện mặt hàng trái cây từ Việt Nam sang Nga, Thương vụ Nga khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại LB Nga, đặc biệt là World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm),… để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ/triển lãm như hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê… Theo Thương vụ, các mặt hàng của Việt Nam như chuối, vải, thanh long… Nếu làm công tác thị trường tốt, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga.Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều.
Đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng diện mặt hàng đặc biệt là các sản phẩm sấy, nước quả với chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây tươi và các mặt hàng trái cây sấy và nước quả từ thanh long, mãng cầu, măng cụt, mít, vải, nhãn, xoài, bưởi… sang Nga. Trong các năm gần đây, các món ăn Việt Nam đã trở thành hiện tượng tại Nga, được người tiêu dùng Nga rất yêu chuộng. Tới nay, tại Nga, chủ yếu tại TP. Matxcơva và các thành phố lớn, theo thống kê sơ bộ đã có gần 800 các nhà hàng, quán bán các món ăn Việt như: Phở (bò, gà), nem (rán, cuốn), cơm rang,… các loại trái cây Việt như xoài, thanh long, bưởi… và đồ uống Việt như cà phê, bia (Sài Gòn, Hà Nội), nước quả Vinus… Tại hầu hết các Trung tâm thương mại lớn ở thủ đô đều có quán ăn Việt. Do đó, lực lượng doanh nhân người Việt tại Nga đông đảo và rất năng động, chịu khó tìm tòi các hướng đi mới cho trái cây Việt đã góp phần tích cực đưa các sản phẩm này xâm nhập ngày càng nhiều vào thị trường Nga. Vì vậy, Thương vụ Đại sứ quán và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, các hợp tác xã trong việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây Việt Nam sang Nga. Theo ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay tỉnh Sơn La đã tổ chức xuất khẩu các sản phẩm xoài sang thị trường Trung quốc, xuất khẩu thanh long sang thị trường Liên bang Nga, xuất khẩu nhãn sang thị trường EU và Vương quốc Anh… Với trọng tâm phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La là ưu tiên phát triển cây ăn quả gắn với thế mạnh của từng địa phương, chính vì vậy bài toán đầu ra và xuất khẩu các sản phẩm trái cây rất được tỉnh chú trọng và quan tâm. Bởi vậy, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La sẽ cùng với các đơn vị, tổ chức và cá nhân kết nối và sẵn sàng là cầu nối giữa tổ chức, cá nhân với các đơn vị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, các đơn vị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh rất mong được hợp tác, chia sẻ, kết nối và đưa các sản phẩm trái cây tỉnh Sơn La tới người tiêu dùng trong nước và các nước trên thế giới./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối cung cầu, hợp tác xã chung tay vượt "bão"
08:17' - 08/10/2021
Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc tiêu thụ sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã rơi vào tình trạng bế tắc.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh nghiệm của Canada trong nhân rộng mô hình hợp tác xã
16:08' - 06/10/2021
Thông qua dự án Dự án Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam đã giúp Việt Nam xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đi đúng bản chất, chuẩn mực của mô hình hợp tác xã hiện đại.
-
DN cần biết
Lấy ý kiến dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Hợp tác xã
15:02' - 20/09/2021
Từ năm 1990 đến nay, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung 7 lần nhưng Luật Hợp tác xã mới sửa đổi, bổ sung 3 lần cho thấy, môi trường pháp lý còn chậm, gò bó khiến các hợp tác xã khó phát triển.
-
DN cần biết
Huy động nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã khôi phục, phát triển sản xuất
15:33' - 16/09/2021
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa ban hành công văn gửi Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, địa phương về triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc kỹ lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
13:45'
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Huy động tối đa nguồn lực hoàn thành 2 tuyến cao tốc
13:04'
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hậu Giang triển khai đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia)
12:39'
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và phát biểu tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia).
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử
12:17'
Qua 15 năm triển khai, Việt Nam phải triển khai các điều ước quốc tế đã đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Bình Dương bổ nhiệm nhiều nhân sự mới
11:43'
Sáng 22/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì Hội nghị trao quyết định cho các cán bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi
10:26'
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu qua sông Hồng nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
08:30'
Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
08:12'
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
08:11'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.