Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài cuối: Chủ động hoạch định chiến lược

09:30' - 01/01/2022
BNEWS Năm 2021 khép lại với những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng nhờ sự nỗ lực, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động hoạch định chiến lược cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, với thị trường nội địa và quốc tế, ngành Du lịch thành phố bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam.

* Tín hiệu tích cực

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Liyana Jamil, Phó Chủ tịch Beds Network, quản lý nền tảng đặt ứng dụng du lịch trực tuyến Agoda đánh giá, mặc dù hiện nay chỉ có một số tỉnh, thành phố như Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng... được phép mở cửa đón du khách quốc tế có hộ chiếu vaccine nhưng Việt Nam vẫn cho thấy có tiềm năng du lịch vô cùng lớn hậu đại dịch COVID-19.

Theo thống kê, Phú Quốc đón hơn 200 du khách Hàn Quốc đến với đảo ngọc này vào cuối tháng 11/2021, dự kiến tiếp tục tăng lên thời gian tới.

Với những tín hiệu tích cực này, Agoda rất kỳ vọng ngành Du lịch Việt Nam sẽ phục hồi từ đầu năm 2022. Trong đó, không chỉ hướng đến du lịch quốc tế, các ngân hàng liên kết tại địa phương, nền tảng thương mại điện tử và các đại lý du lịch truyền thống có thể được hưởng lợi từ Beds Network để tiếp cận du khách nội địa tại Việt Nam tốt hơn.

Tại Việt Nam, Agoda còn triển khai chương trình Vaxxed To Go cho phép du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ hưởng gói ưu đãi độc quyền tại hơn 100 khách sạn khắp cả nước, đi cùng với nhiều tiện ích gia tăng khác, giúp gói lưu trú trở nên vô cùng giá trị.

Nhìn về tương lai xa hơn, connected trip (cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ cần thiết) đang là khái niệm Agoda ưu tiên hiện nay. Trong tương lai, khi du lịch quốc tế được cho phép hoạt động trở lại, chiến dịch Welcome Back của Agoda mang đến mức giá tốt nhất từ các khách sạn dành cho du khách khi đến thăm Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp nội địa, tiếp nối bộ sản phẩm “Hành trình xanh” khám phá Cần Giờ, Công ty Du lịch Vietravel cho ra đời tour du lịch mới: “Về Cần Giờ - Lắng nghe hơi thở của rừng” tìm nguồn năng lượng tích cực với trải nghiệm trekking, chèo SUP (chèo thuyền đứng) xuyên rừng đước xanh mướt, tận hưởng bầu không khí trong lành tuyệt đối.

Khác với các chương trình trước đây, sản phẩm mới lần này mang đến du khách trải nghiệm vô cùng thú vị là trekking và chèo SUP xuyên rừng đước bạt ngàn dành cho những ai đam mê chinh phục bản thân, khám phá thiên nhiên. Hành trình “tìm nguồn năng lượng tích cực từ thiên nhiên” được tổ chức đi - về trong ngày.

Cùng với đó, Biking Tour Saigon -  hình thức du lịch bằng xe đạp mang ý nghĩa “Xanh” là tour du lịch hoàn toàn mới Vietravel giới thiệu ra thị trường. Du lịch bằng xe đạp có thể đáp ứng mong muốn của du khách. Hơn hết, liều “vaccine tinh thần” có được từ việc tự mình rong ruổi trên khắp các cung đường có thể giúp xua tan muộn phiền và căng thẳng trong cuộc sống thường ngày.

Biking Tour Saigon sẽ đưa du khách đến với những con đường rợp bóng mát, bãi cỏ, khuôn viên cây cối và ít xe cộ lưu thông tại các cung đường khu Sala hay di tích cổ kính như Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố, đường Nguyễn Huệ hay sang trọng như khách sạn Caravell… Mỗi địa điểm là một câu chuyện, lát cắt nhỏ về văn hóa, lịch sử và đời sống của thành phố.

Ở lĩnh vực thúc đẩy quan hệ hợp tác chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Hoa Sen trong hỗ trợ hoạt động đào tạo và tổ chức các chương trình thực hành; xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; đào tạo sinh viên qua nội dung về định hướng nghề nghiệp...

Qua đó, góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch, đồng thời khẳng định tầm nhìn dài hạn và cam kết hành động trong chiến lược đào tạo nhân sự của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế khó có thể phục hồi như trước đại dịch cho đến năm 2023. Ngành công nghiệp không khói này phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm chủng.

Tuy vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực để có những bước đi vững chắc chuyển trạng thái từ “Zero COVID” sang “thích ứng, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để không rơi vào tình trạng “mở ra, đóng lại” gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

* Chủ động hoạch định chiến lược

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chiến lược phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ngành du lịch triển khai giai đoạn 2 của quá trình khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19.

Ở giai đoạn 2, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: Khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn; hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...); hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%...

Tiếp theo, giai đoạn 3 (năm 2022), ngành khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không giới hạn loại hình, quy mô, phạm vi. Mặt khác, nhằm chủ động triển khai các chương trình hoạt động của ngành sau khi tình hình dịch COVID-19 có những chuyển biến tích cực, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố Bộ Tài nguyên du lịch thành phố.

Qua đó, rà soát, thống kê và đánh giá hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn, cập nhật điểm đến du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ du lịch nhanh chóng vượt khó, bắt tay ngay vào phục hồi du lịch khi dịch bệnh vừa được kiểm soát trên địa bàn.

Trong đó, xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi ngành Du lịch, các sở, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh thiết kế, xây dựng sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện "bình thường mới".

 

Song song đó, các đơn vị này tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa; phát huy kết quả liên kết thành công với hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước...

Thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngành du lịch, nhất là giải pháp về cơ chế, chính sách.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu mối đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết hợp tác, chuẩn bị mọi nguồn lực tái hoạt động; xây dựng đa dạng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới hoặc bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm; tham gia hoạt động kích cầu du lịch và chương trình truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch.../.

Xem thêm:

>>Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài 1: Làm mới sản phẩm nội thành

>>Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài 2: Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số

>>Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài 3: Khẳng định vị trí hạt nhân liên kết

>>Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài 4: Đầu mối xúc tiến thị trường cả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục