Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

15:30' - 14/03/2025
BNEWS Trong năm nay ngành ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển, nhất là các chính sách về tín dụng, lãi suất.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ thủ tục chính sách tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, hoặc vướng điều kiện tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, vay tín chấp… nên chưa tiếp cận được dòng tín dụng ngân hàng.

 
Đây là những vấn đề được các doanh nghiệp, hợp tác xã phản ánh đến ngành ngân hàng tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và UBND huyện Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 14/3.

Ông Nguyễn Ngọc Chương, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong lĩnh vực hạt giống hoa ở huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu vốn để phục vụ xuất nhập khẩu của công ty là rất lớn. Tuy nhiên, do vướng thủ tục liên quan đến vấn đề thế chấp tài sản nên chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, buộc phải mượn tiền bên ngoài để duy trì hoạt động.

Do đó, ông Chương mong muốn ngành ngân hàng linh hoạt cho doanh nghiệp được vay vốn để nhập khẩu nguyên liệu, phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, ông Dương Đình Tình, Giám đốc Hợp tác xã Phát Đạt lại thắc mắc tài sản riêng của thành viên hợp tác xã có được thế chấp ngân hàng để vay hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất không? Các hợp tác xã có đề án kinh doanh rõ ràng, thì có được vay tín chấp không? Ngược lại, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã tiếp cận dòng tín dụng ngân hàng với mức lãi suất phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hồng Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Thiên Nhiên Việt - chuyên sản xuất các sản phẩm bột rau củ quả chất lượng cao, hiện tại công ty đang vay vốn tại Agribank với lãi suất ngắn hạn kỳ 6 tháng ở mức 6%/năm, trung dài hạn 9%/năm để đầu tư máy móc thiết bị.

Ông Bắc cũng cho biết, so với mặt bằng chung trên thị trường thì cũng mức lãi suất này cũng tương đối phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp còn vướng điều kiện liên quan đến tài sản thế chấp do tài sản nằm trong vùng quy hoạch treo, thì việc được linh hoạt, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời đã giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Hiện sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm nông nghiệp vàng của Tp. Hồ Chí Minh và đã được phối rộng rãi trên các hệ thống siêu thị lớn và nhiều chuỗi phân phối uy tín trên cả nước.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, trong năm nay ngành ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển, nhất là các chính sách về tín dụng, lãi suất. Trong số đó, nông nghiệp – nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là giải ngân gói tín dụng ưu đãi và đối thoại ngân hàng doanh nghiệp. Đến nay, đã có 18 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025, với tổng số tiền khoảng 517.065 tỷ đồng. Sau 2 tháng đã giải ngân cho vay đạt 47.482 tỷ đồng, cho 25.306 khách hàng.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được giảm lãi suất cho vay; tăng hạn mức tín dụng; cho vay mới với lãi suất thấp khoảng 9%/năm đối với khoản vay trung dài hạn; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên…

Ở góc độ ngân hàng cung ứng vốn chủ yếu cho ngành nông nghiệp, ông Trần Phước Sang, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cũng cho biết, việc tham gia tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh năm 2025 và ký kết hợp đồng tín dụng với các khách hàng thể hiện sự chủ động của Agribank trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Các chi nhánh Agribank ở Tp. Hồ Chí Minh đến nay đã hỗ trợ cho 1.954 khách hàng với hơn 1.826,6 tỷ đồng; trong đó, tập trung vào giảm lãi vay cũ, cho vay mới lãi suất thấp, tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng. Trong số đó, 10 chi nhánh Agribank đã ký kết trực tiếp tại hội nghị đối với 22 khách hàng với dư nợ 462,6 tỷ đồng.

Đại diện Agribank cũng cho biết, trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động tham gia chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với với nội hàm giải ngân gói tín dụng và đối thoại doanh nghiệp. Song song đó, Agribank cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó ổn định lãi suất cho vay bền vững; đồng thời đơn giản thủ tục cho vay, giải ngân hiệu quả; hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đó, đóng góp vào quyết tâm của ngành ngân hàng tăng trưởng bứt phá, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, làm nền tảng để tạo đà phát triển kinh tế cao trong những năm tiếp theo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục