Khả năng nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm kỷ lục

06:30' - 19/03/2020
BNEWS Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu hiện đang hướng đến sự sụt giảm lớn nhất tính theo năm, giữa bối cảnh nhiều quốc gia áp đặt lệnh cấm du lịch để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria, ngày 26/10/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Với những điều kiện đó, các chuyên gia phân tích dự đoán nhu cầu dầu có thể giảm tới 10% nếu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng, tương đương mức 10 triệu thùng/ngày, trong giai đoạn quý II/2020 và thậm chí có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Các chuyên gia cho rằng quy mô bùng phát của dịch bệnh, cùng những tác động dây chuyền đối với lĩnh vực hàng không có thể khiến nhu cầu dầu giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Saad Rahim, chuyên gia kinh tế trưởng tại toàn đoàn kinh doanh dầu mỏ khổng lồ Trafigura, cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy tình trạng nhu cầu tiêu thụ dầu (xuống thấp) như mức này trong lịch sử. Trong thời gian tới, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày”.

Cùng quan điểm này, Pierre Andurand, một nhà quản lý quỹ nổi tiếng, cho biết thêm: “Đại dịch toàn cầu này là điều mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ năm 1918. Tôi quan ngại rằng xu hướng sụt giảm nhu cầu hiện nay sẽ là bội số của sự sụt giảm đã được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. 

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đưa ra dự báo thận trọng hơn, với ước tính rằng nhu cầu sẽ giảm hơn 4 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn tháng 2-4/2020.

Tuy nhiên, thậm chí mức giảm lạc quan vẫn có thể dễ dàng vượt xa mức giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày được ghi nhận trong cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009 và vượt qua mức giảm 2,65 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 1980, khi nền kinh tế thế giới sụp đổ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai.

Các hãng hàng không đã buộc phải hủy hàng chục ngàn chuyến bay khi ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu trong nước cũng chịu áp lực khi các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và người tiêu dùng hạn chế đi đến nhà hàng cùng các cửa hàng giải trí khác.

Quyết định của Đức đóng cửa một phần biên giới với Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Luxembourg và Đan Mạch cũng đang phá vỡ nghiêm trọng hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ ở châu Âu, đồng thời làm giảm thêm nhu cầu nhiên liệu. Biên giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng sẽ bị đóng cửa ít nhất một tháng, dù hàng hóa vẫn được phép thông qua.

Ở một khía cạnh khác trên thị trường dầu mỏ, việc giá “vàng đen” đã sụp đổ trong những ngày gần đây cũng liên quan đến thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Nga, hai nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.

Saudi Aramco, công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới, hiện đang chuẩn bị cắt giảm chi tiêu vốn sau khi công bố lợi nhuận ròng giảm đến 20%, xuống còn 88,2 tỷ USD (71,9 tỷ bảng) vào năm ngoái. Năm nay, tập đoàn dự định chi từ 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD, so với con số 32,8 tỷ USD của năm ngoái.

Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, cho biết: "Sự bùng phát của dịch COVID-19 gần đây, cùng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này cho thấy tầm quan trọng của khả năng ứng biến nhanh nhẹn trong bối cảnh toàn cầu luôn thay đổi”.

Ngoài ra, những bất ổn trên các thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế giảm đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mặc dù Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ dự đoán về khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ, nhưng Washington cũng thừa nhận nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, hãng sản xuất đồ thể thao khổng lồ Nike cho biết, họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand trong nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, còn Abercrombie & Fitch sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đến cuối tháng này. Tại Italy, Ferrari cũng đóng cửa các nhà máy của mình trong hai tuần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục