Khắc phục yếu điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

15:40' - 13/10/2023
BNEWS Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có tới 80% doanh nghiệp là ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp vẫn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị

Tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức mới đây ở Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội đã báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có tới 80% doanh nghiệp là ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp vẫn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật. Điều này khiến cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chỉ mới đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết nhiều hiệp định tự do thế hệ mới…

Báo cáo ghi nhận, nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập sâu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng bộc lộ rõ nét hơn những điểm yếu và hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay cả những điểm mà trước đây vốn được coi là lợi thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm các loại chi phí như quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... thì nay đã không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt.

Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng là nguyên nhân làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút. Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… và năng suất lao động vẫn ở mức thấp.

Riêng với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; trong đó, cụ thể là năng lực về vốn, quản trị, công nghệ thiết bị, nguồn nhân lực. Khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ. Chưa kể đến nhiều vấn đề khác như các ngành sản xuất trong nước đang phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu...

Bên cạnh những thách thức nội tại, còn có những yếu tố khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ của doanh nghiệp cũng chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường…

Trước thực trạng này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hướng tới đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với trọng tâm chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; đồng thời, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

Theo ông Hiểu, tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp hội viên cho thấy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, thành phố Hà Nội tiếp tục có các giải pháp tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính như: Đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2023 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có giá cho thuê ưu đãi đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2023 và các năm tiếp theo để duy trì hoạt động kinh doanh.

Các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với phương án kinh doanh của các doanh nghiệp (các điều kiện cho vay về tài sản đảm bảo cần có phương án phù hợp hơn). 

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2023 và các năm tiếp theo.

Liên quan tới chi phí logistics vẫn còn ở mức cao, đang ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này.

Cuối cùng, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cũng để thúc đẩy hoạt động của hiệp hội, hướng tới việc tăng cường hiệu quả hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cam kết hiệp hội sẽ chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; trong đó chú trọng các giải pháp như nâng cao chất lượng hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.

Hiệp hội cũng sẽ cùng với các đơn vị liên quan thúc đẩy thuận lợi hoá môi trường kinh doanh nhằm phát triển nhanh doanh nghiệp, mở rộng thu hút vốn đầu tư FDI, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh; tạo lập môi trường truyền thông lành mạnh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao tinh thần kinh doanh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Hiệp hội sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ; thúc đẩy phát triển và tăng cường liên kết các doanh nghiệp đầu ngành; hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Để có thể tăng cường hoạt động kết nối, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội sẽ tập trung phát triển và kết nối với hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp khác, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực giới sử dụng lao động; phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên; tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục