Khai mạc Triển lãm quốc tế về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo

14:44' - 11/10/2023
BNEWS Đây là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo tại các tỉnh phía Bắc tiếp cận với thiết bị, công nghệ tiên tiến, qua đó thúc đẩy quan hệ giao thương với nhà cung cấp, đầu tư tiềm năng.

Sáng 11/10, Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA HANOI 2023) chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E, 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo tại các tỉnh phía Bắc tiếp cận với những thiết bị, công nghệ tiên tiến, mà còn thúc đẩy quan hệ giao thương với nhiều nhà cung cấp, đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này.

Ông BT Tee – Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam cho biết, được xem là một khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và vị trí địa lý trọng yếu, các tỉnh phía Bắc là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều nhà máy sản xuất lớn trên thế giới. 

Nhờ vào mạng lưới vận tải phát triển, chiến lược ngoại giao tích cực và lợi thế chi phí, nhiều hãng công nghệ và nhà sản xuất linh kiện điện tử quốc tế đã quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc. Trong bối cảnh đó, MTA HANOI sẽ là một cơ hội quan trọng để doanh nghiệp cung ứng quốc tế và nhà sản xuất trong khu vực gặp gỡ, quảng bá, tạo tiền đề cho nhiều đơn đặt hàng mới.

Trong năm 2023, thị trường cơ khí Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ phát triển đáng chú ý. Dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, quý 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đã đạt mức 19 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chủ lực với gần 4 tỷ USD, sau đó là EU với 1,46 tỷ USD, Trung Quốc với 701 triệu USD và Nhật Bản với 663 triệu USD.

Năm 2022 ,với tỉ lệ tăng trưởng 18%/, ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn.

Các tỉnh thành phía Bắc đang nhận được nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nhiều dự án FDI. Hà Nội được kỳ vọng là điểm sáng phát triển ngành công nghiệp hàng không của Thủ đô. Đây là một ngành còn hết sức mới mẻ và còn rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam, hiện chưa có nhiều nhà sản xuất, cung cấp có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi OEM cho các hãng sản xuất máy bay. 

Cuối năm vừa qua, Samsung cũng vừa khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, với diện tích 11.603 m2 và quy mô đầu tư hơn 220 triệu USD. Các tỉnh thành vệ tinh khác như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng,... cũng nhận được sự ưu ái về chính sách và đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây.

Dự thảo quy hoạch mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, sản xuất thông minh, logistics của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam. 

 

Vào tháng 5.2023, Hải Phòng vừa khởi công xây dựng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu với vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật ở khu vực này. 

Cùng đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 832,17 triệu USD, vượt chỉ tiêu của toàn năm 2023.

Tại Chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc bộ năm 2023, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là trong vực sản xuất, chế tạo. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phát triển vượt bậc trong tương lai không xa của ngành cơ khí khu vực phía Bắc.

Với tiềm năng đó, MTA HANOI 2023 trở lại, mang sứ mệnh tạo một không gian triển lãm mở nhằm kết nối nhà cung cấp quốc tế với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. Sự kiện không chỉ tạo điều kiện để các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm và công nghệ mới của họ, mà còn giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất cho dây chuyền sản xuất hiện tại. 

Triển lãm MTA HANOI năm nay quy tụ hơn 140 nhà trưng bày đến từ hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổgồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ và các đơn vị trưng bày trong nước khác. 

MTA HANOI 2023 còn vinh dự được các nhóm gian hàng quốc tế đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lựa chọn để trưng bày và giới thiệu sản. Trong năm nay, với khuôn viên trưng bày rộng 4,400 m2, triển lãm dự kiến sẽ thu hút hơn 5000 khách tham quan chuyên ngành. Đáng chú ý, phần lớn khách tham quan đều là chủ doanh nghiệp, thành viên, ban quản trị và những chuyên gia cấp cao có quyền ra quyết định hoặc tiếng nói trong doanh nghiệp.

Với số lượng hàng trăm đơn vị trong và ngoài nước tham gia trưng bày, MTA HANOI 2023 mở ra những cơ hội đáng giá cho việc thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp. Đây có thể coi là bước đệm quan trọng cho lộ trình phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại khu vực, đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành ở mức 5-6% vào năm 2023.

Đồng hành cùng cộng đồng sản xuất và chế tạo khu vực phía Bắc, MTA HANOI 2023 hội tụ hàng nghìn công nghệ và giải pháp tiên tiến nhằm đáp ứng các nhu cầu đầu tư vào thiết bị và máy móc, thúc đẩy nâng cao năng suất sản xuất trong các khu công nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, và nhiều nơi khác.

Đáng lưu ý, MTA HANOI 2023 còn thu hút sự hiện diện của những doanh nghiệp quốc tế hàng đầu tham gia trưng bày, chú trọng vào các lĩnh vực như công nghệ tự động hóa; dụng cụ cắt & gia công cắt gọt; thiết bị nhà máy / thiết bị phụ trợ & hỗ trợ; lưu trữ & xử lý nguyên vật liệu; công nghệ đo lường & kiểm tra; máy cắt kim loại; máy định hình kim loại / máy cắt kim loại tấm; đúc & khuôn mẫu; hệ thống & phần mềm tạo mẫu; xử lý bề mặt & xử lý nhiệt; công nghệ hàn; dịch vụ tổng hợp và các sản phẩm, dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, triển lãm còn mở ra cơ hội để đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực cơ khí có thể cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành, thông qua chuỗi hội thảo được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu. Chương trình tập trung vào các vấn đề quan trọng như công nghệ sản xuất chip bán dẫn, quá trình số hóa và chuyển đổi công nghệ, ứng dụng AI/IoT/Deep Learning vào sản xuất. Với nội dung chất lượng mang tính ứng dụng cao, sự kiện hứa hẹn giúp doanh nghiệp có những góc nhìn đa chiều và cập nhật nhất về ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục