Khai thác giá trị từ nông nghiệp hữu cơ

14:55' - 19/08/2022
BNEWS Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển và mở rộng.

Sáng 19/8, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Ban quản lý Dự án Luxembourg và Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật Dự án thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên - Huế VIE/433 tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và thúc đẩy kết nối cung cầu".

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm OCOP tạo ra giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhằm mang lại nhiều giá trị lớn hơn từ trong sản xuất đến tiêu dùng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Lưu Quốc Doãn nhấn mạnh, sản xuất theo hướng hữu cơ đang là xu thế phát triển chung của nông nghiệp toàn cầu. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển và mở rộng. Nhiều mô hình sản xuất hữu cơ được đánh giá cao như gạo hữu cơ Phong Điền, dầu lạc hữu cơ Mỹ Á, rau má hữu cơ Quảng Thọ...
Tuy nhiên, khó khăn và trở ngại lớn trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là thị trường tiêu thụ, giá của sản phẩm hữu cơ được bán ngang với sản phẩm thông thường trong khi yêu cầu sản xuất sản phẩm hữu cơ đòi hỏi khắc khe hơn nhiều; đầu tư với giá trị lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại… Mặt khác, nhiều sản phẩm không phải là sản phẩm hữu cơ nhưng vẫn "gắn mác" sản phẩm hữu cơ gây hiểu lầm, mất lòng tin của người tiêu dùng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mang tính tất yếu và phù hợp với bối cảnh thực tế.

Thời gian tới, Thừa Thiên – Huế cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ; có chính sách ưu đãi về quy hoạch đất đai, tài nguyên nước tập trung cho những vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tiến tới nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ, liên kết các nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và hệ thống phân phối sản phẩm; xây dựng nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bố trí vốn ưu tiên cho nhà sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Vũ Quang Phong nhận xét, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực và thực hiện đồng bộ giải pháp như tăng cường thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; đồng bộ chính sách triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ trung ương đến địa phương; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ...
Ông Alain Jacquemin, Cố vấn trưởng Dự án VIE/401 và VIE 433 cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất cần thực hiện các tiêu chuẩn và quy định để đảm bảo chứng nhận PGS đối với sản phẩm. Để phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ, các hợp tác xã cần mở rộng quy mô sản xuất, luôn luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, chú trọng khâu đóng gói bao bì, dán nhãn hiệu và đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm.

 

Đến nay, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt trên 500 hecta. Trong đó có 330 hecta lúa và rau; hơn 20 cơ sở, hộ chăn nuôi lợn hữu cơ, 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700m2. Đã có 10 cơ sở, gia trại được cấp chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức NHONHO, FAO. Chăn nuôi hữu cơ gia súc đạt trên 3.000 con/năm; gia cầm trên 1.000 con/năm.
Nhân dịp này còn diễn ra Hội chợ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2022. Hội chợ diễn ra từ ngày 18-20/8, quy tụ 43 gian hàng của 43 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia với nhiều sản phẩm hữu cơ và sản phẩm đạt chứng nhận OCOP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục